Tận dụng các nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/08/2023 10:16 GMT+7

VTV.vn - Chuyển đổi số được các chuyên gia đánh giá là con đường ngắn nhất để tạo ra giá trị mới, bắt kịp và vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 tất cả doanh nghiệp trong nước sẽ được tiếp cận chuyển đổi số. Hiệu quả của chuyển đổi số là không phải bàn cãi bởi nó giúp doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng, tăng tiếp cận thị trường, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng không phải là chuyện giản đơn.

Thách thức từ chuyển đổi số trong quá trình công nghiệp hóa

Dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi với sáng tạo, những mô hình đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam đã được xây dựng. Có thể nói hạ tầng số, công nghệ số được coi là điểm sáng của quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, cho biết: "Một vấn đề cực kỳ quan trọng là những định hướng của quốc gia, phải làm thế nào để những hạ tầng số này phải được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Từng bộ ngành, từng địa phương trên hạ tầng số ấy phải nhanh chóng có được chuyển đổi số trong công tác điều hành của mình".

Báo cáo của Ngân hàng thế giới cho thấy, số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tự động hoá trong sản xuất, mới đạt trên 10%. Con số này khá khiêm tốn, bởi lĩnh vực này được coi là chìa khóa quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tận dụng các nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel, chia sẻ: "Chúng tôi rất tâm đắc câu "muốn đi nhanh thì đi 1 mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", chính vì vậy mà cần cùng nhau nghiên cứu công nghệ và tích hợp lại với nhau, chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm để phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

Đối với lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm, báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn rất thấp. Thực tế này cho thấy, việc phát triển sản xuất thông minh sẽ cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhận định: "Một trong những thách thức cần tập trung xử lý đó là cần có cơ chế thực sự khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và phải coi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là những phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, qua đó đạt mục tiêu phát triển kinh tế số đến 2030 đạt 30%".

Ngay đầu năm nay, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Thủ tướng chính phủ đã nhấn mạnh, phải xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, phong trào có tính toàn cầu, toàn dân, toàn xã hội. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này, do đó phải nắm bắt, tận dụng tốt cơ hội. Nếu chúng ta không chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện và hiệu quả... thì sẽ bị tụt hậu.

Tận dụng các nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp - Ảnh 2.

Chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và các doanh nghiệp hiện nay không thể đứng ngoài cuộc. chuyển đổi số cần được xác định là một chủ thể, nhân tố sống còn trong hành trình chuyển mình, tăng trưởng, phát triển. Đã có những doanh nghiệp nắm bắt được xu thế phát triển và tích cực tiến hành quá trình chuyển đổi số.

Công ty Thương mại và Sản xuất hoá chất sơn MT chuyên sản xuất xuất khẩu sơn ô tô đã gần 20 năm nay. Đến cuối năm ngoái, doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động. Trong đó, chiến lược marketing trên mạng xã hội đã giúp doanh nghiệp mở rộng tiếp cận khách hàng. Nhờ vậy, ngay trong thời gian khó khăn này, doanh nghiệp vẫn có thêm khách hàng mới ở thị trường Mỹ và châu Âu.

Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất hoá chất sơn MT, cho biết: "Trước đây để tiếp cận với khách hàng ở châu Âu và Mỹ, chúng tôi phải bỏ ra một chi phí rất lớn cho hội chợ, xúc tiến thương mại, thậm chí là chi phí cho nhân viên ra nước ngoài để tiếp cận khách hàng. Hiện nay, có chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh hơn và chi phí thấp hơn".

Đây cũng chỉ là một trong tổng số hơn 10 nghìn doanh nghiệp ở gần 40 tỉnh thành trên cả nước đã được đào tạo trực tiếp từ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số do Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai. Hơn 2 năm qua, đội ngũ hơn 100 chuyên gia của chương trình đã trực tiếp tới hướng dẫn các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: "Giai đoạn đầu chúng ta tập trung vào đào tạo nâng cao nhận thức rồi kết nối, sau này giai đoạn sau tập trung hỗ trợ người ta thực sự. Chúng tôi đang làm từ 2023 là các doanh nghiệp cần gì thì chúng tôi có các giải pháp công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia ngay và cần nguồn lực thì chúng ta phải hỗ trợ cho doanh nghiệp với nguồn lực nhất định trong điều kiện cho phép để làm sao doanh nghiệp có thể thuê hoặc mua và ứng dụng chuyển đổi số ngay trong doanh nghiệp".

Bộ Kế hoạch đầu tư nhận định, nguồn lực hỗ trợ theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa hiện nay tuy chưa nhiều, nhưng sẽ có ý nghĩa là vốn mồi, để các DN có thể chuyển đổi số ngay trong giai đoạn khó khăn này.

Theo McKinsey & Company - một công ty tư vấn quản trị toàn cầu, trong 5 năm nữa, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, Brazil là 35%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Nhiều cường quốc trên thế giới coi chuyển đổi số là chiến lược mang tính đột phá.

Còn trong nước, để tận dụng cơ hội và thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Với dân số 100 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.

Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 5/8 với khách mời là ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Đỗ Hoàng Hải, chuyên gia Chuyển đổi số sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước