Liên kết đảm bảo đầu ra cho lúa giống

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/04/2024 11:34 GMT+7

VTV.vn - Việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa giống là tất yếu.

Nâng cao chất lượng từ thay đổi giống lúa

Một số địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi được biết đến là vựa lúa giống cho cả nước. Sau nhiều năm canh tác, một số giống lúa dùng để sản xuất giống đã thoái hóa, cùng với biến đổi khí hậu gay gắt, đã khiến nhiều vụ bị giảm năng suất. Điều này đang đặt ra đòi hỏi cấp thiết về việc thay đổi bộ giống để đảm bảo sản lượng,chất lượng lúa gạo tạo ra một thị trường cạnh tranh.

Năm 2010 chính thức đánh dấu cột mốc về một cuộc cách mạng giống lúa tại Quảng Nam. Sau hơn 10 năm, một số giống tốt đã trụ vững trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại đây như TBR 225, BC15, TBR97. Vụ đông xuân năm nay, xã Đại Quang được chọn là nơi thử nghiệm giống mới TBR 87 có năng suất tốt, chống được bệnh đạo ôn và bạc lá. Hộ nhà ông Nguyễn Thanh Trà - Xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam là một trong những nhà được mùa nhất khi năng suất đạt 90 tạ lúa khô/ha.

Ông Trà cho biết, giống này năng suất tốt, dùng ít phân bón hơn mà ít sâu bệnh. Bà Nguyễn Thị Lạc - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Cường, Quảng Nam cho biết thêm, năm nay được mùa do thời tiết thuận lợi.

Các giống lúa mới được áp dụng tại Quảng Nam đều là những giống ngắn ngày giúp nông dân thu hoạch sớm từ 2 đến 3 tuần trước khi nắng hạn gay gắt, nhất là vào tháng 5 khi giông và gió mạnh dễ gây gẫy đổ. Việc thu hoạch sớm gúp nông dân bảo vệ được thành quả.

Ông Lê Văn Tám - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Quang, Quảng Nam cho biết, giống này ngắn hạn, nếu chậm 10 ngày là nắng nóng gây thiệt hại lớn.

Toàn tỉnh Quảng Nam có diện tích sản xuất hơn 41.000 ha lúa, năng suất trung bình ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái. Vụ đông xuân này được đánh giá là vụ mùa thắng lợi nhất từ trước đến nay. Kết quả này có được là nhờ địa phương đã mạnh dạn thay đổi giống và luôn duy trì tỉ lệ cơ cấu giống đa dạng, chọn lọc được nhiều giống chất lượng cao.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam nêu ý kiến: "Chúng tôi luôn duy trì nhiều nhóm giống lúa trên nhiều chân đất khác nhau để đánh giá mức độ phù hợp để đưa ra bộ giống tốt nhất. Hàng vụ, hàng năm, chúng tôi đều có đánh giá nhóm giống mới, nhóm giống triển vọng để đưa vào nhóm giống bổ sung, nếu đảm bảo sẽ đưa vào cơ cấu nhóm giống chủ lực địa bàn tỉnh Quảng Nam sản xuất trong thời gian tới".

Đến thời điểm này, hơn 90% diện tích lúa ở Quảng Nam đã được thu hoạch. Ngay sau khi thu hoạch xong, bà con sẽ tiến hành phơi đất, cày ải để chuẩn bị cho vụ hè thu sẽ được gieo sạ từ cuối tháng 5.

Liên kết đảm bảo đầu ra cho lúa giống - Ảnh 1.

Năm 2010 chính thức đánh dấu cột mốc về một cuộc cách mạng giống lúa tại Quảng Nam

Liên kết đảm bảo đầu ra cho lúa giống

Giống chính là nhịp cầu nối giữa cả nông dân và doanh nghiệp. Bởi nông dân cần giống tốt để sản xuất mà doanh nghiệp cũng cần nguồn giống đầu vào đảm bảo chất lượng. Vì thế, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa giống là tất yếu. Lợi ích rõ nhất trong mối liên kết này là hình thành được chuỗi sản xuất quy mô tập trung, đảm bảo ổn định đầu ra cho lúa giống. Từ đó tạo ra đầu vào chất lượng cho các vùng chuyên canh lúa.

Từ ngày liên kết với công ty, lũy tre đầu làng đã trở thành nơi tập kết hàng của cả thôn. Các thành viên trong hợp tác xã (HTX) sẽ liên kết với một đơn vị thay vì mạnh ai nhà đấy làm như trước. Lúa của nhà nào sẽ được đánh tên, lấy mẫu và kiểm tra chất lượng, nếu chưa đủ độ khô sẽ không thu mua.

Chính từ góp ý của cán bộ kĩ thuật mà bà con cũng cải thiện nhiều trong khâu sản xuất. Bà Phạm Thị Ngọc Hậu - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh, Quảng Nam chia sẻ: "Với loại giống thông thường, người ta không được tập huấn quy trình sản xuất. Ở đây tập huấn quy trình sản xuất giống từ đầu vụ, tất cả công nghệ chuyển giao về quy trình sản xuất được các cán bộ về tập huấn kỹ càng cho người nông dân".

Hiện huyện Đại Lộc - địa bàn sản xuất giống chủ lực theo quy hoạch của tỉnh Quảng Nam đã xây dựng được 15 chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, tạo thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Với hơn 4.000 ha canh tác lúa, hơn 70% diện tích đã được bao tiêu đầu ra và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Quảng Nam nêu ý kiến: "Thông qua cơ chế hỗ trợ này, người nông dân được hỗ trợ về giống từ ban đầu, hỗ trợ vật tư ban đầu theo cơ chế đã đề ra, đồng thời hỗ trợ vấn đề tiêu thụ nông sản giúp cho bà con nông dân".

Đơn vị này đang liên kết với 19 HTX tại Quảng Nam, sản lượng thu mua vụ đông xuân năm nay lên tới gần 6.000 tấn. Tuy nhiên, con số này chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp, bởi hiện nay việc liên kêt giữa nông dân và HTX vẫn còn có những điểm yếu. Người đứng đầu HTX cần có đủ năng lực để vận động người dân tuân thủ quy trình sản xuất và hợp đồng mua bán đã kí từ đầu vụ.

Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Thái Bình Seed, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho biết: "Với quy mô sản xuất nhỏ, vai trò của HTX rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng cơ chế để hợp tác, làm sao người nông dân với vai trò đại diện của HTX nông nghiệp, thay mặt cho nông dân ký kết hợp tác, hướng dẫn, triển khai tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời tổ chức thu mua nguyên liệu cho doanh nghiệp, đó chính là cái gốc để phát triển".

Việc vị thế ngành hàng lúa gạo Việt Nam được củng cố, giá gạo xuất khẩu giữ ở mức cao trong hơn một năm qua càng đặt ra những đòi hỏi về chất lượng giống lúa tương xứng. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp vẫn luôn xác định phát huy vai trò của kinh tế tập thể, xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị chính là nền tảng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước