Giải bài toán nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 16/04/2024 21:36 GMT+7

VTV.vn - Trong 5 năm tới, Việt Nam cần hàng chục nghìn lao động cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Công nghiệp bán dẫn là nền tảng để sản xuất ra các sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị di động. Trong 5 năm tới, Việt Nam cần hàng chục nghìn lao động cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp này đang tăng dần khi Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn sẽ là một trong số 9 sản phẩm quốc gia.

Việc Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn sẽ là một trong số 9 sản phẩm quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đánh giá cao. Và nhiều tập đoàn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp của tương lai này, hỗ trợ đưa Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Ông James Chung - Chủ tịch Công ty TNHH Hana Micron Vina nhận định: "Có nhiều yếu tố để làm nên sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn. Như vốn, công nghệ, môi trường. Nhưng tôi cho rằng, yếu tố nguồn nhân lực vẫn là quan trọng nhất. Và mục tiêu của Việt Nam trong vòng 5 năm tới là sẽ đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn, cùng với sự đầu tư quan tâm thích đáng của Nhà nước thì tôi cho rằng, Việt Nam sẽ sớm gia nhập chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn toàn cầu".

Giải bài toán nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn - Ảnh 1.

Việc Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn sẽ là một trong số 9 sản phẩm quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đánh giá cao

Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 50.000 kĩ sư ngành công nghiệp bán dẫn. Chi phí để đào tạo cho lực lượng này tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD. Nhưng đội ngũ này sẽ tạo ra giá trị gấp 15 -16 lần. Những con số tiềm năng này đã được đưa ra tại Hội thảo Giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn vừa được tổ chức.

Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Tương ứng với 50.000 vị trí việc làm trong ngành công nghiệp bán dẫn thì tạo ra khoảng 204.000 vị trí việc làm cho các ngành liên quan, tức là gián tiếp. Bên cạnh đó cũng tạo ra khoảng 15-16 tỷ USD".

Hiện cả nước có khoảng 35 cơ sở giáo dục Đại học có khả năng tham gia đào tạo công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít. Bởi vậy, việc thiết lập các trung tâm chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là điều cấp thiết đối với nhiều địa phương.

"Chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung cao để thu hút các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn để xây dựng một hệ sinh thái sản xuất bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" – ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Giải bài toán nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn không những nâng cao giá trị và vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu các sản phẩm của lĩnh vực này mà còn thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước