Doanh nghiệp tiết kiệm điện trong sản xuất

VTV Digital-Thứ tư, ngày 24/04/2024 15:08 GMT+7

VTV.vn - Dự báo năm nay việc vận hành điện sẽ gặp khó khăn, đòi hỏi các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất của các doanh nghiệp cần được triển khai đồng bộ và tích cực hơn.

Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn từ tháng 5 đến tháng 7 tới đây hiện tượng El Nino vẫn duy trì nhưng cường độ suy yếu dần. Ở các tỉnh phía Bắc, lượng mưa ít hơn cùng với nắng nóng gay gắt nên từ tháng 5 đến tháng 7, dòng chảy trên các sông, hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Cụ thể, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30 - 40%. Đối với dòng chảy đến hồ Thác Bà (sông Chảy) và hồ Tuyên Quang (sông Gâm) khả năng ở mức thiếu hụt từ 20 - 30% so với trung bình nhiều năm. Dự báo năm nay việc vận hành điện sẽ gặp khó khăn, đòi hỏi các giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất của các doanh nghiệp cần được triển khai đồng bộ và tích cực hơn.

Phòng điều khiển hệ thống của doanh nghiệp luôn có một tấm bảng đề rõ giá kinh doanh điện và các khung giờ. Hàng ngày, bất kể mùa đông hay hè, nhân viên kỹ thuật luôn phải tuân thủ giờ chạy máy và giờ dừng máy đã được quy định rõ.

Anh Nguyễn Xuân Đáp - Kỹ thuật viên vận hành, Công ty Một Thành Viên Vina Paper, Bắc Ninh cho biết: "Chúng tôi sẽ dừng giờ cao điểm là từ 9h30 - 11h30 và buổi chiều sẽ dừng từ 17h - 20h. Ngoài khung giờ cao điểm, chúng tôi sẽ đẩy công suất lên tối đa".

Bên cạnh việc chạy máy vào khung giờ thấp điểm, doanh nghiệp cũng áp dụng nhiều biện pháp như thay biến tần, áp dụng công nghệ và giải pháp mới. Nhờ vậy, dù phải dừng khoảng 5 giờ đồng hồ/ ngày nhưng năng suất và hiệu quả kinh doanh của đơn vị vẫn được đảm bảo. Đồng thời, cũng tiết kiệm được lượng điện đáng kể.

Anh Nguyễn Thành Khương - Quản lý kỹ thuật, Công ty MTV Vina Paper, Bắc Ninh nêu ý kiến: "Trước đây, chạy 24/24 không dừng, chúng tôi duy trì công suất khoảng 50 tấn/giờ/ ngày. Hiện nay, chúng tôi chạy full công suất lên khoảng 60-65 tấn/ ngày".

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động nguồn điện bằng cách lắp hệ thống điện mặt trời áp mái.

Được lắp đặt cách đây hơn một năm với tổng diện tích khoảng 18.000 m2, tổng công suất khoảng 2MW, mỗi năm lượng điện từ những tấm pin năng lượng mặt trời cung cấp cho nhà máy đã giúp nhà máy tiết kiệm được khoảng 240 triệu đồng/ năm.

Đến nay, nhà máy mới chỉ hoạt động khoảng 80% công suất tối đa của hệ thống điện mặt trời. Và doanh nghiệp đã nâng cấp, cải tiến hệ thống máy móc sử dụng điện tự động. Ngoài ra, các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng điện cũng được áp dụng, giúp tiết giảm được khoảng 30% lượng điện tiêu thụ so với trước.

Ông Đinh Tiền Ngự - Tổng giám đốc Công ty TNHH Mypak, Hải Dương nhận định: "Thời gian có ánh sáng mặt trời sẽ sử dụng thiết bị có công suất lớn, để thời gian không có ánh sáng mặt trời sẽ sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ thấp hơn".

Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết giảm chi phí năng lượng không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mua điện mà còn giúp ngành điện giảm áp lực, thực hiện quản lý và vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả. Đồng thời, góp phần làm giảm nhập khẩu năng lượng, tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia, giúp giảm phát thải khí nhà kính, duy trì môi trường bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước