Nỗ lực dập tắt cháy rừng trên núi Cô Tô

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 29/04/2024 06:53 GMT+7

VTV.vn - Sáng nay (29/4), các lực lượng tiếp tục tiếp cận, xử lý triệt để từng đám cháy nhỏ còn sót lại.

Đêm 28/4, công tác chữa cháy rừng trên núi Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã phải tạm dừng do đây là khu vực rất hiểm trở, các đám cháy âm ỉ còn sót lại len lỏi trong các khe đá, hốc núi.

Tuy nhiên hôm qua, đám cháy về cơ bản đã được khống chế. Đó là nỗ lực của 500 nhân sự được tỉnh An Giang điều động chia thành 3 mũi tiếp cận, tạo đường băng ngăn cháy lan.

Do thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài làm cho cây cối khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy; cùng với việc bất cẩn trong việc sử dụng lửa, gây ra các đám cháy lớn tại khu vực núi Cô Tô và núi Dài, huyện Tri Tôn, An Giang trong những ngày qua.

Để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngành Nông nghiệp và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, ban quản lý rừng, kiểm lâm tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, ban quản lý rừng bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.

Để phòng, chống cháy rừng trong cao điểm mùa khô, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; thường xuyên theo dõi diễn biến rừng, theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, dự báo, cảnh báo nguy cơ và phát hiện sớm cháy rừng; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng.

Cả nước nguy cơ cháy rừng rất cao

Cả nước nắng nóng cao điểm, nhiều cánh rừng cũng được Cục Kiểm lâm đưa lên mức cảnh báo cháy cao nhất - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Hiện vùng cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm đã lan rộng ra 119 điểm ở các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng và Nam Bộ. Còn lại là 212 điểm cảnh báo cháy rừng cấp 4, cấp nguy hiểm.

Người dân tuyệt đối không sử dụng lửa ở trong rừng và gần rừng. Chỉ một sơ suất nhỏ như tàn thuốc lá cũng có thể châm ngòi thành một đám cháy lớn. Không chỉ gây thiệt hại về rừng, tro bụi và lửa cháy bốc lên cao có thể làm mất an toàn mạng lưới truyền tải điện Quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước