Như cánh chim từ quy

Chuyển động 24h-Thứ ba, ngày 30/04/2024 18:05 GMT+7

VTV.vn - Sum họp với người mình thương yêu mà vì trách nhiệm với Tổ quốc, những người chiến sĩ đành gác lại chuyện tình cảm của mình để lên đường đi chiến đấu.

Không chỉ xuất hiện trong bài hát Miền xa thẳm, hình ảnh cánh chim từ quy xuất hiện ở nhiều bài hát, nhiều kỷ vật của những chiến sĩ. Đó là vì, chim từ quy có đặc điểm là sống theo cặp, dù đi đâu thì cũng tìm về bên nhau. Nó như là mong ước của các chiến sĩ về một ngày sum họp. 

Sum họp với người mình thương yêu mà vì trách nhiệm với Tổ quốc, họ đành gác lại chuyện tình cảm của mình để lên đường đi chiến đấu. Nó cũng là những khát vọng về sự đoàn tụ của cả dân tộc khi đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc.

Và ngày 30/4/1975, khát vọng sum họp ấy đã trở thành sự thật. Đất nước nối liền một dải, non sông thu về một mối.

Đúng 11h30 phút, lá cờ của Quân Giải phóng đã tung bay trên dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn trong niềm hân hoan, chờ đón của cả dân tộc.

30/4/1975 - 30/4/2024, tròn 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi. Từ đây, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập nối liền một dải từ Bắc vào Nam, từ đất liền đến hải đảo.

Lễ tuyên hôn gia đình hạnh phúc sau ngày đất nước thống nhất

Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng cảm xúc trong buổi lễ Tuyên hôn Gia đình hạnh phúc vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cựu tử tù Lê Hồng Tư.

Ông và bà Nguyễn Thị Châu quen nhau từ lúc tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định, tuy nhiên vì muốn toàn tâm toàn ý làm cách mạng nên bà Châu chưa nhận lời tỏ tình.

Mãi đến năm 1962, bà Châu bị địch bắt giam, còn ông Tư bị kết án tử hình ở Côn Đảo. Ở chốn ngục tù, bà Châu bất ngờ nhận ông Tư là vị hôn phu của mình.

Đất nước thống nhất, đôi cựu tù cách mạng được trả tự do, chính thức nên nghĩa vợ chồng. 15 năm xa cách, 15 năm chịu cảnh tù đày khép lại bằng 1 buổi lễ tuyên hôn gia đình hạnh phúc.

Cũng có nhiều cựu tù chính trị có được buổi lễ tuyên hôn Gia đình Hạnh phúc sau ngày đất nước hòa bình. Để có được khoảnh khắc này, ông Danh và bà Cẩm phải đổi lấy bằng 10 năm bị tra tấn, tù đày ở nơi được gọi là địa ngục trần gian Côn Đảo.

Lao tù, máu và nước mắt đã dệt nên những tình yêu cảm động trong sự tàn khốc của chiến tranh.

Để khi đất nước thống nhất, họ được giữ trọn lời ước hẹn với một nửa đời mình.

Ở tuổi 90, chân đã mỏi, tay đã run nhưng họ vẫn đồng hành cùng nhau, nắm tay nhau, bước tiếp con đường phía trước.

Như vậy đã tròn 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi. Có những tình yêu được đơm hoa kết trái sau hàng thập kỷ xa cách bởi tra tấn, tù đày.

Thế nhưng, đã có rất nhiều người mãi mãi nằm lại. Những cái vẫy tay chào nhau lúc chia tay lên đường đi chiến đấu trở thành lần vĩnh biệt.

Họ đã mãi ra đi để đổi lấy hòa bình, độc lập cho dân tộc.

Ngày chia tay cũng là ngày vĩnh biệt

50 năm trôi qua nhưng mỗi lần thắp hương lên mộ chồng, bà Thu đều khóc. Gọi là chồng nhưng bà và ông Bùi Văn Huỳnh chưa có một ngày sống chung.

Năm 1967, khi ông bà đang được đơn vị tổ chức đám cưới thì địch mở trận càn, mỗi người lại quay về đơn vị của mình để chiến đấu. Bà không ngờ lần chia tay đó cũng là lần vĩnh biệt.

Trong căn phòng này, bà Lại Thị Kim Túy thờ đến 44 người, 6 người thân gồm cha, 3 người anh trai, em gái, chồng và 38 đồng đội. Cả gia đình bà đều tham gia hoạt động cách mạng. Thế nhưng, khi đất nước thống nhất, ngày về, quá nửa đã hy sinh.

Ngày 30/04/1975, bà theo đoàn quân tiến về trung tâm thành phố, niềm vui trào dâng, xen lẫn chút chạnh lòng. Trở về nơi 38 đồng đội đã nằm xuống, một ít hoa, một ít bánh trái, bà Túy cẩn thận bày biện lễ vật quanh bia tưởng niệm, dâng hương tưởng nhớ anh linh các đồng đội. Để có hòa bình độc lập, người phụ nữ này đã mất chồng, mất cha, mất anh em, đồng đội.

49 năm đã trôi qua, mảnh đất này đã tiễn đưa 38 chiến sĩ quân giải phóng ra đi về với đất mẹ. Có những cái tên vẫn còn bỏ trống vì chưa đưa được các anh về. Những hy sinh của các anh đã ghi sâu vào lòng đất, đi vào lịch sử đất nước, với những chiến công còn mãi tự hào.

Cái giá của hòa bình vô cùng đắt, phải đánh đổi bằng máu xương, khổ đau và cả những sự hy sinh phi thường… 

Hơn nửa thế kỷ làm vợ liệt sĩ

Bà Xơ đều khóc mỗi khi đọc thư chồng về từ chiến trường nhưng đây là lá thư khiến bà Xơ khóc nhiều nhất, bởi nó là lá thư cuối cùng.

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã hy sinh khi tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ông mất tròn 1 năm sau ngày cưới. Và khi ấy, ông mới cưới vợ chỉ vỏn vẹn 7 ngày.

Không một chiếc ảnh chụp chung kỷ niệm, cũng không có con chung, mà chỉ có tình yêu ở lại. Trong căn nhà nhỏ, hơn nửa thế kỷ qua, bà Xơ vẫn là vợ ông Huỳnh. Hình ảnh 10 trang thư được bà đặt ở nơi trang trọng nhất trong gia đình. Di nguyện của liệt sĩ Huỳnh cũng là nỗi day dứt của bà Xơ.

Sau ngày đất nước thống nhất, người phụ nữ này đã rong ruổi khắp Quảng Trị để tìm mộ chồng. Và cũng từ những manh mối của lá thư, 2 vợ chồng đã được gặp nhau, đoàn tụ dù cách biệt âm dương. Khi đi mái tóc còn xanh, ngày gặp lại, mái tóc vợ đã bạc, da đã sạm nhăn.

Tiễn anh đi với đủ hình hài, ngày trở về, anh đã hóa thành hình đất nước. 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị chìm trong lửa đạn, đã có biết bao lá thư viết vội không hẹn ngày về như thế. Cùng với đồng đội của mình, đã hy sinh để mang lại vinh quang cho Tổ quốc.

Máu thịt liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đã hòa vào lòng đất mẹ, làm nên đất nước anh hùng.

Chiến tranh đi qua, chỉ còn tình yêu ở lại, những chiến sĩ kiên cường năm nào lại trở lại với cuộc sống thời bình, viết tiếp cuộc sống gia đình với nhau. Dù có thể thanh xuân, cơ thể của họ đã 1 phần gửi lại chiến trường.

Hai nửa cuộc đời

"Chú quen cô năm 1964, chú đi chiến dịch Bình Giã, cũng đặt vấn đề nếu sau này đất nước mình yên ổn thì mình tiến thành thành chồng vợ được không thì 2 bên cũng hứa hẹn nếu hòa bình sẽ tiến tới".

Đó là lời ước hẹn năm 1964, ở chiến khu của ông Nguyễn Xuân Nấm - Chiến sĩ mặt trận thông tin và bà Bùi Thị Hồng - nữ du kích vận chuyển vũ khí. Cùng chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, họ đã gặp và yêu nhau.

Thế nhưng, chẳng được bao lâu thì đến năm 1965, do thay đổi địa bàn chiến đấu nên ông bà đành chia xa và mất liên lạc với nhau từ đó.

Mãi đến năm 1974, đến tận 10 năm sau, họ mới gặp lại nhau trong 1 hoàn cảnh hết sức oái ăm. Tình yêu, tình đồng đội đã giúp ông bà vượt qua những mặc cảm ban đầu.

Sau khi đất nước thống nhất, hai thương binh cùng trở vùng quê Củ Chi, xây dựng gia đình, viết tiếp cuộc đời còn lại bên nhau. Hiện ông bà đã có với nhau 3 người con, 8 người cháu.

Chiến tranh đi qua, chỉ còn tình yêu ở lại. Ngày ra đi với hình hài nguyên vẹn, khi trở về mỗi người đều gửi lại 1 phần cơ thể nơi chiến trường.

Có mất mát, đau thương nhưng trái tim, tình cảm của họ luôn tròn đầy. Ở tuổi thất thập, đôi bàn tay vẫn nắm chặt lấy nhau, cùng nhau đi tiếp trên hành trình phía trước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước