Nhiều vướng mắc trong công tác quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn

Nguyễn Sơn - Lê Phức-Thứ bảy, ngày 27/04/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Dù là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng suốt nhiều năm nay, Vườn quốc gia Xuân Sơn vẫn liên tục bị tàn phá để lấy đất sản xuất.

Tình trạng đồng bào dân tộc Dao sinh sống xen kẽ trong vùng lõi của vườn quốc gia Xuân Sơn phá rừng để lấy đất sản xuất diễn ra những năm gần đây đã khiến cho không ít diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng bị tàn phá.

Vào năm 2021, tại Vườn quốc gia Xuân Sơn cũng xảy ra 1 vụ người dân địa phương phá gần 3.000 m2 rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Vị trí khu rừng bị phá chỉ cách vị trí mới bị lực lượng chức năng phát hiện khoảng 1km. Vườn quốc gia Xuân Sơn vốn là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, vậy lý do vì sao tình trạng này vẫn liên tiếp xảy ra suốt nhiều năm nay?

Nhiều vướng mắc trong công tác quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 1.

Thủ đoạn phá rừng tinh vi là cắt bỏ phần vỏ xung quanh gốc cây.

Ngoài những phương pháp phá rừng truyền thống như chặt hạ thì ở Vườn quốc gia Xuân Sơn, phóng viên còn nhận thấy có một thủ đoạn phá rừng tinh vi hơn tồn tại nhiều năm đó là cắt bỏ phần vỏ xung quanh gốc cây, tất cả những cây gỗ quanh đây đều bị cắt gốc. Mất đi phần liên kết giữa gốc cây và thân cây, không có chất dinh dưỡng để nuôi cây thì chỉ một thời gian ngắn những cây này sẽ chết.

Nhiều vướng mắc trong công tác quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 2.

Mất đi phần liên kết giữa gốc cây và thân cây, không có chất dinh dưỡng để nuôi cây thì chỉ một thời gian ngắn những cây này sẽ chết.

Không chỉ cắt vỏ cây, nhiều thân cây lớn còn bị đốt gốc để cho chết dần, hay thậm chí cưa cắt khoảng 2/3 thân cây để chờ đến thời điểm giông bão cây tự gãy đổ. Rất nhiều thủ đoạn tàn độc được thực hiện với mục đích duy nhất là phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất.

Nhiều vướng mắc trong công tác quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 3.

Dù việc này xảy ra nhiều năm, lực lượng chức năng đều biết và theo quy định cũng có chế tài xử phạt đối với những hành vi này. Tuy nhiên những vướng mắc về nhân lực cũng như thẩm quyền càng ngày càng hạn chế của một đơn vị hành chính như vườn quốc gia khiến cho việc ngăn chặn các đối tượng phá rừng gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Phong Tuyến, Đội chuyên trách bảo vệ rừng - Vườn quốc gia Xuân Sơn cho biết: ''Trong chế tài xử lý cũng có quy định về hành vi cắt vỏ cây, thế nhưng phát hiện đối tượng vi phạm còn khó hơn phát hiện việc lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. 15.000ha rừng nhưng chúng tôi chỉ có 16 anh em, có 7 trạm nhưng chúng tôi co lại chỉ ở 5 trạm vì không có người. Trên tay chúng tôi không có một cái gì, không có công cụ hỗ trợ, bộ quần áo này chúng tôi tự mua theo Nghị định 01, còn những cái khác đều không có. Gặp chúng tôi thì những đối tượng vi phạm có thể nói là coi thường''.

Xét về đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Xuân Sơn đứng thứ 3 so với hơn 30 vườn quốc gia trong toàn quốc. Thế nhưng đây lại là vườn quốc gia duy nhất không có lực lượng kiểm lâm trực thuộc. Diện tích rộng, dân cư sống xen kẽ đông, nguy cơ xảy ra phá rừng cao nhưng chế tài xử lý chưa có tính răn đe nên một số vụ việc xảy ra vào những năm trước, số tiền xử phạt lên đến hơn nửa tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại cũng chỉ thu được hơn 10 triệu đồng.

Trận giông lốc xảy ra vào ngày 20/4 vừa qua khiến Vườn quốc gia Xuân Sơn bị thiệt hại nặng nề với hơn 20ha rừng bị tàn phá, trong đó có hơn 100 cây gỗ lớn hàng chục năm tuổi gẫy đổ. Trong khi lực lượng quản lý rừng đang rà soát, thống kê thiệt hại thì đã có những hộ dân lợi dụng thời điểm này vào rừng để xây dựng lán trại, canh tác trên diện tích đất rừng.

Nhiều vướng mắc trong công tác quản lý Vườn quốc gia Xuân Sơn - Ảnh 4.

Đã có những hộ dân vào rừng để xây dựng lán trại, canh tác trên diện tích đất rừng.

Nếu không có những giải pháp và chế tài phù hợp để xử lý những vướng mắc tại Vườn quốc gia Xuân Sơn thì rất có thể chỉ một thời gian ngắn nữa, những diện tích rừng vừa bị tàn phá do thiên tai sẽ nhanh chóng được người dân lấn chiếm, thay thế bằng các loại cây lâm nghiệp ngắn ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước