Người dân không đồng thuận mặn hóa vùng ngọt

Đặng Công-Thứ hai, ngày 22/04/2024 06:09 GMT+7

VTV.vn - Đưa nước mặn vào vùng ngọt, đất sẽ không bị khô. Cà Mau và Kiên Giang sẽ không phải lo sụt lún như hiện nay, nhưng người dân lại không đồng thuận đề xuất này.

Năm 2016, hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã từng xảy ra hiện tượng sụt lún đất khi khô hạn kéo dài. Để khắc phục tình trạng này phải mất hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên đến nay các địa phương vẫn loay hoay tìm giải pháp.

Tỉnh lộ 965 qua huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, chỉ 10 km nhưng có đến 4 điểm sạt lở nghiêm trọng và nhiều chỗ xuất hiện rạn nứt. Các tuyến đường bê tông nhỏ, sụt lún càng dữ dội hơn.

Hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang có hơn 900 điểm sụt lún trong mùa khô này. Để khắc phục, các địa phương phải mất hàng trăm tỷ đồng. Theo các nhà khoa học, vùng ngọt hóa ở Kiên Giang và Cà Mau nền đất yếu. Khô hạn kéo dài đã phá vỡ kết cấu đất. Đường giao thông, nhà cửa của người dân ở bên trên cũng gãy đổ, sụt lún theo. Để giải quyết bài toán này nên mặn hóa vùng ngọt.

Từ năm 2016 đến nay, có ít nhất 2 lần hiện tượng sụt lún đất ở vùng ngọt hóa Cà Mau và Kiên Giang đã xảy ra. Đưa nước mặn vào vùng ngọt, đất sẽ không bị khô. Hai địa phương này sẽ không phải lo sụt lún như hiện nay. Người dân có thể canh tác mô hình một vụ lúa, một vụ tôm vốn đang được khuyến khích sản xuất ở những vùng ven biển ĐBSCL, nhưng người dân lại không đồng thuận đề xuất này.

Người dân không đồng thuận mặn hóa vùng ngọt - Ảnh 1.

Sụt lún, sạt lở đường Tỉnh lộ 965 đoạn thuộc địa bàn ấp Minh Tiến A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). (Ảnh: TTXVN)

Một lý do khác bà con không muốn đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa là ở những nơi này đều có những cánh rừng tràm rộng lớn. Đó là vườn quốc gia U Minh hạ của tỉnh Cà Mau và U Minh thượng của tỉnh Kiên Giang. Đưa nước mặn vào có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái 2 cánh rừng tràm ngập nước được xem là lá phổi xanh của thế giới.

Tính từ năm 2016 đến nay, cứ trung bình 4 năm, khu vực ngọt hóa ở Cà Mau, Kiên Giang lại xảy ra sụt lún một lần, do xâm nhập mặn và khô hạn. Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, không loại trừ khả năng trong những năm sắp tới, khô hạn và xâm nhập mặn sẽ nghiêm trọng hơn và diễn ra dày đặc hơn, khiến tần suất sụt lún gia tăng theo. Vì vậy về lâu về dài, vẫn cần đảm bảo vùng ngọt hóa không bị kiệt nước vào mùa khô, điều này cần có sự đồng thuận, chung tay của cả người dân và chính quyền địa phương để tìm hiểu, thực hiện các giải pháp thiết thực nhất.

ĐBSCL chuẩn bị đón đợt xâm nhập mặn mới ĐBSCL chuẩn bị đón đợt xâm nhập mặn mới

VTV.vn - Từ nay đến hết tháng 4, dự báo khu vực ĐBSCL nắng nóng liên tục, gia tăng tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, nhất là khi kết hợp với đợt triều cường Rằm tháng 3 âm lịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước