VTV.vn - Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ tự nhận mình là tuýp người dễ xúc động, nhiều cảm xúc và điều đó cũng ảnh hưởng phần nào đến cách anh làm phim.

Trong lễ trao giải của VTV Awards 2022 diễn ra vào tháng 1 năm nay, nhà báo - đạo diễn Nguyễn Đức Đệ của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã được tôn vinh với 2 giải thưởng - "Hình ảnh lan toả" (cho hình ảnh trong "Bình yên con nhé") và "Phim Tài liệu ấn tượng" (cho phim "Bốn mùa trong rừng thẳm"). Nguyễn Đức Đệ cũng là người duy nhất 2 lần bước lên bục nhận giải của VTV Awards năm 2022.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ: Còn rất nhiều câu chuyện đáng kể ngoài kia - Ảnh 1.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong danh sách đề cử vừa được công bố của VTV Awards năm 2023, đạo diễn Nguyễn Đức Đệ và phim của mình lại một lần nữa xuất hiện. Lần này, bộ phim "Người ơi, đừng khóc cuối đường" của Nguyễn Đức Đệ nằm trong danh sách 6 phim tranh giải tại hạng mục Phim tài liệu ấn tượng. "Người ơi, đừng khóc cuối đường" đã được phát sóng trên kênh VTV1 vào tháng 8 năm 2023. Và vì thế, cuộc nói chuyện của đạo diễn Nguyễn Đức Đệ với VTV News lần này cũng xoay quanh câu chuyện về "Người ơi, đừng khóc cuối đường" và rộng hơn, một chút, là câu chuyện của một đạo diễn phim tài liệu và công việc làm nghề.

Trong cuộc trò chuyện trước đó với VTV News, đạo diễn Nguyễn Đức Đệ từng nói: "Từ nhỏ mình đã thích làm báo. Mình nghĩ đó là công việc phù hợp với mình nhất. Mình thích mình là người ghi chép và kể lại những câu chuyện cho nhiều người biết. Mình thích lan toả những thông điệp mà mình cho là tốt đẹp và cần thiết đến nhiều người".

"Mình luôn nói với bạn bè, người thân của mình là khi nào không còn hứng thú để đóng vai người kể chuyện nữa thì sẽ nghỉ, kiếm việc khác để làm. Nhưng bao nhiêu năm nay, không khi nào là mình thôi hứng thú với nghề này. Những nơi mình mới đến, những người mới mình gặp, những câu chuyện mình mới biết đều cho mình những cảm giác mới mẻ. Mình nghĩ mình rất khó tách khỏi nghề này - cái nghề mà mình đang cảm thấy như hơi thở của mình".

Và lần này, sau gần 1 năm từ cuộc trò chuyện đó, ở Nguyễn Đức Đệ, vẫn là nguyên vẹn tình yêu ấy - với nghề báo và với phim tài liệu. Nguyễn Đức Đệ bảo những nhân vật anh gặp đã tạo thêm động lực cho anh - trong cuộc sống và trong công việc.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ: Còn rất nhiều câu chuyện đáng kể ngoài kia - Ảnh 3.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ và ông Nguyễn Văn Bảy - một bệnh nhân của Trại phong Bến Sắn, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ông Bảy là một trong những nhân vật chính của phim tài liệu "Người ơi, đừng khóc cuối đường". (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mình nói về bộ phim "Người ơi, đừng khóc cuối đường" trước nhé. Câu chuyện về các bệnh nhân ở trại phong Bến Sắn đã được bắt đầu như thế nào và đến với anh bằng cách nào?

- Tôi tình cờ xem một tin của một bạn làm thời sự. Bạn đó nhờ tôi tổng hợp, tư vấn để làm phim kỷ niệm 25 năm thành lập tỉnh Bình Dương. Khi xem những tư liệu này, tôi thấy có những góc cạnh có thể làm phim ở nơi này. Vậy là tôi đã cùng đi với bạn ấy đến Trung tâm vào dịp gần Tết Nguyên đán 2023 rồi nhờ bạn liên lạc với Ban Giám đốc Trung tâm xin được tìm hiểu về các vợ chồng lớn tuổi đang sống ở đây. Tôi đã được nghe kể nhiều về họ - cả những câu chuyện cảm động và đau lòng. 

Người đưa tôi đi gặp họ chính là con của một bệnh nhân phong (giờ làm lãnh đạo của Trung tâm). Tôi nghĩ, tất cả những diễn biến xung quanh họ chính là một câu chuyện có quá nhiều thông điệp. 

'Tôi yêu quý họ - những cặp vợ chồng lớn tuổi ở Trại phong Bến Sắn. Tôi yêu họ thật sự'.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ.

Lúc đầu rất khó tiếp cận với họ. Có lẽ vì mặc cảm. Nhưng tôi cứ lân la và cho họ thấy rằng tôi có thể là một người bạn mà họ có thể chia sẻ cùng, là người mà có thể tin tưởng. Và họ dần chấp nhận sự có mặt của tôi. Mọi diễn biến sau đó thì cứ tự nhiên mà đến. 

Trong suốt quá trình thực hiện, tôi và bạn quay phim chỉ dùng chiếc máy ảnh nhỏ để ghi lại và hạn chế sắp đặt. Nên việc ghi hình khá thuận lợi.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ: Còn rất nhiều câu chuyện đáng kể ngoài kia - Ảnh 5.

Vợ chồng ông Bảy - bà Nương trong một cảnh của phim "Người ơi, đừng khóc cuối đường".

Anh mất khoảng bao nhiêu thời gian để tiếp cận cho đến lúc thân được với những nhân vật trong phim của mình?

- Tôi mất khoảng 2 tháng. Sau khi được nhân vật đồng ý thì chúng tôi bắt đầu bấm máy. Những ngày đầu chỉ để nhân vật làm quen với máy ảnh. Sau khi thấy không còn nhiều khoảng cách thì tôi mới phỏng vấn. Có lẽ nhờ vậy mà nhiều góc khuất, nhiều câu chuyện mà họ giấu kín đã được kể. 

Họ nói với chúng tôi là có người vào Trung tâm thì bịt kín khẩu trang, nói chuyện với họ xong, dù có vẻ thân thương lắm, nhưng họ để ý khi tiếp xúc xong là rửa tay, xịt khuẩn liền. Tôi thì khác. Nên họ thấy quý, thấy thương và muốn chia sẻ cùng tôi câu chuyện của họ.

Thật sự, tôi rất thích không gian của Trại phong này - xanh mát, tĩnh lặng dù ra khỏi nơi này là thành phố Tân Uyên. Không gian này giúp ê-kíp có thể khai thác để bổ trợ, mình họa thêm cho chuyện kể của bệnh nhân phong - tĩnh lặng nhưng sâu lắng trong tận cùng nổi đau cả về thể xác và tinh thần. Ở một nơi gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, người ta vẫn tìm thấy cái đẹp.

Nói cách khác, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cái đẹp vẫn luôn tồn tại.

Khi quay phim, như anh nói là mình để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Vậy việc set up khung hình thì như thế nào? Vì khung hình trong phim này biểu đạt rất nhiều nội dung. Có những hình ảnh nhìn thôi là đã thấy sự cô đơn kinh khủng...

- Trước khi chuẩn bị quay, tôi có hỏi nhân vật, kiểu như: Hôm nay định làm gì? Có định rủ nhau đi chơi? Có muốn nói gì với tôi không?... Tôi tham gia vào cuộc sống của họ trong những ngày làm phim. Nhưng không can thiệp. Tôi  ghi hình theo những gì mà nhân vật mong muốn. Tôi không can thiệp vào những hoạt động đời sống của họ.

Yếu tố tự nhiên được anh đặt như thế nào trong phim mình?

- Nó quan trọng chị ạ. Cảm xúc thì không thể can thiệp hay sắp đặt. Cách làm kiểu trực tiếp, không lời bình thì càng cần phải chân thật thì mới chuyển tải trọn vẹn câu chuyện đến khán giả. Tôi may mắn vì có bạn quay phim rất hiểu mình, bạn quay phim đi cùng tôi trong rất nhiều bộ phim và tôi xem bạn như em trai của mình. 

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ: Còn rất nhiều câu chuyện đáng kể ngoài kia - Ảnh 6.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ và quay phim Hữu Phương (bên phải) trong thời gian quay phim tại Trại phong Bến Sắn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong quá trình làm phim, tôi dự đoán cảm xúc có thể diễn ra khi tôi đi theo nhân vật và tôi nói quay phim chờ đợi.

Một chiếc máy ảnh nhỏ gọn, chất lượng cùng một người em hiểu mình muốn khai thác gì, chờ đón cảm xúc nào. Đó là một lợi thế.

Vậy là, nói theo một cách nào đó thì anh cũng may mắn, vì với người làm phim, không dễ tìm được cộng sự tốt và hiểu ý mình!?

- Tôi là người hướng dẫn bạn quay phim từ ngày bạn chưa biết gì. Tôi hướng dẫn bạn góc quay, cách kể chuyện bằng hình ảnh theo cách mà mình nghĩ. Nên có thể nói là bạn quay phim rất hiểu tôi, rất biết tôi muốn gì.

Ông Bích và bà Khánh - một cặp vợ chồng già sống tại Trại phong Bến Sắn.

Trong cuộc trò chuyện với VTV News, đạo diễn Nguyễn Đức Đệ thừa nhận anh là người nhiều cảm xúc và dễ xúc động. Điều này đã thể hiện qua chính cách anh làm phim và cách anh tiếp cận nhân vật cũng như cách anh chuyển tải nó qua phim mình.

"Tôi là tuýp người dễ xúc động, nhiều cảm xúc, chắc nó cũng ảnh hưởng phần nào đến cách tôi làm phim" - đạo diễn Nguyễn Đức Đệ nói - "Tôi có quan niệm như thế này. Nghịch cảnh luôn là thử thách khó vượt qua nhưng cũng là nơi nuôi dưỡng cái đẹp, để cái đẹp được tôn lên đến tận cùng. Có trải qua nghịch cảnh, người ta mới biết đâu là sự tử tế, đâu là cao cả, đâu là thấp hèn".

'Cái đẹp được thử sức, nung nấu trong nghịch cảnh'.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ.

Sau khi làm phim "Người ơi, đừng khóc cuối đường", có quan điểm nào của anh được bồi đắp hoặc thay đổi không?

- Tôi càng tin hơn vào cách mình nghĩ. Như câu nói của nhà văn Luciano De Cresehenzo mà tôi đã trích cuối phim này: "Tất cả chúng ta đều là những thiên thần chỉ có 1 cánh, và chúng ta chỉ có thể bay nhờ ôm lẫn nhau".

Tôi nghĩ "nhân bất thập toàn" và chỉ có tình yêu thương, tấm lòng bao dung, lương thiện mới là thứ giúp con người sống có ý nghĩa hơn. Lặn ngụp trong nghịch cảnh, sự lương thiện, bao dung, tình yêu thương cao cả đó càng trở nên quý giá.

Tôi đã từng hỏi một câu gần như tương tự ở cuộc phỏng vấn lần trước nhưng vẫn muốn hỏi lại nó trong lần này, đó là điều anh thấy thú vị nhất ở phim tài liệu là gì?

- Tôi thích cái tên phim mà tôi đặt - "Người ơi, đừng khóc cuối đường". Khi trải qua khoảng thời gian dài gắn bó với nhân vật của mình, tôi thấy mình là một phần trong số họ. Có những nỗi đau, mất mát khó có thể diễn tả hết. Họ, những người như bị dồn vào cuối đường trên con đường đời quá nhiều khổ đau không lối loát...

Tôi mong họ tìm thấy niềm vui, tìm thấy được sự tử tế trong cuộc sống, bằng chính sự tử tế, lương thiện từ trong con người của họ. Những cặp vợ chồng dặn nhau đừng khóc, bản thân mỗi người tự nhủ là sẽ không khóc và người làm phim cũng mong họ đừng khóc...

'Tôi muốn kể câu chuyện, quan sát câu chuyện như bằng chính con mắt quan sát của nhân vật. Sự khách quan tương đối và có chiều sâu này sẽ giúp câu chuyện đi xa hơn'.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ.

Đúng như anh vừa nói ở trên - anh là người dễ xúc động và nhiều cảm xúc. Vậy thông thường, anh có phải mất 1 khoảng thời gian để dứt khỏi phim của mình, các nhân vật của mình trước khi bắt đầu 1 phim mới không?

- Tôi không dứt. Tôi vẫn tìm cách liên lạc với họ. Khi làm phim, tôi tìm đến họ với mong muốn là một người bạn thay họ kể câu chuyện đáng kể về cuộc đời, về cảm giác của chính họ. Khi phim hoàn thành, tôi vẫn muốn tiếp tục là bạn của họ. Họ tiếp thêm cho tôi nhiều động lực, cho tôi niềm tin về những thứ mà tôi xem là đẹp đẽ... Vậy thì, sao phải quên họ?

Mỗi người một vẻ, họ có mặt trong phim tôi, là bạn của tôi, và giúp tôi có thêm nhiều kiến thức về cuộc sống. Tôi vui vì đã được quen biết họ. 

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ: Còn rất nhiều câu chuyện đáng kể ngoài kia - Ảnh 11.

Một cảnh trong phim "Người ơi, đừng khóc cuối đường".

'Tôi trân trọng những thứ mà phim nhìn thấy từ nhân vật của mình'.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ.

Anh có biết phim "Người ơi, đừng khóc cuối đường" được đề cử VTV Awards năm nay không?

- Tôi cũng mới biết và điều này khiến tôi vui - không riêng gì cho cá nhân mình. Tôi vui vì đây là cơ hội để phim có thể được nhiều người nhớ tới hơn. Nhân vật của tôi và thông điệp từ họ rất cần được nhiều người nhớ tới, biết tới. Khi nhận được tin này tôi có báo với Ban Giám đốc Trung tâm Điều trị bệnh nhân phong Bến Sắn. Họ mừng lắm.

Sau "Người ơi, đừng khóc cuối đường", anh đã bắt đầu với phim nào khác chưa?

- Tôi sắp quay phim mới "Lằn ranh tội lỗi". Có những thứ quý giá nhưng con người thường chỉ thể hiện là yêu quý nó bằng hình thức, hoặc nói cho có. Họ đang đứng trước lằn ranh tội lỗi mà không hề hay biết hoặc cố tình không muốn biết... Và đó là những điều mà nội dung phim này nói về.

Tôi cũng đang lên kế hoạch cho một bộ phim nhiều tập về câu chuyện của những người nhập cư. Họ đi và sống như thế nào, thứ gì gợi lên từ chính những câu chuyện của chính họ?

Anh thích đề tài chính luận hơn hay đời sống hơn? Anh cảm thấy mình mạnh thể hiện ở đề tài nào hơn?

- Dòng chảy đời sống thì vô vàn câu chuyện. Tôi làm Phim tài liệu với tâm thế là háo hức, khám phá và những diễn biến của đời sống - những câu chuyện mà tôi biết, những con người mà tôi gặp - đều cho tôi những chiêm nghiệm riêng.

Mỗi thể loại phim tài liệu đều có giá trị riêng. Khai thác các khía cạnh của đời sống là mục đích mà tôi hướng đến khi tham gia làm phim tài liệu. Thế nên, tôi sẽ tiếp tục lang thang, tiếp tục kể những câu chuyện mà mình quan tâm và cảm thấy nó gần gũi, chân thật với đời sống, với khán giả.

Ê-kíp phim "Người ơi, đừng khóc cuối đường" trong thời gian ghi hình tại Trại phong Bến Sắn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cảm xúc của anh như thế nào sau khi mình kể được 1 câu chuyện đến mọi người? Cảm xúc ấy chính xác như thế nào?

- Hạnh phúc. Người ta nói, mỗi câu chuyện sẽ cần một cách kể riêng. Phim tài liệu là một câu chuyện kể và phim kể có thành công hay không là do khán giả đánh giá. 

Tôi sẽ cảm thấy rất hạnh phúc khi cách kể của phim mình được khán giả đánh giá là chân thực, cảm xúc. Và mọi người tự tìm thấy cho mình một thông điệp mở sau khi xem phim.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

'Có lẽ là còn rất nhiều câu chuyện đáng kể ngoài kia mà tôi chưa biết. Tôi sẽ tiếp tục quan sát, tìm kiếm'.

Đạo diễn Nguyễn Đức Đệ.

___

Người thực hiện: N.A

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước