Vatican biến nhà tù thành siêu triển lãm Venice Biennale

Khuyên Phạm (Theo NYTimes, artnews, Guardian)-Chủ nhật, ngày 21/04/2024 19:00 GMT+7

VTV.vn - Năm nay, Tòa Thánh Vatican đã chọn nhà tù nữ Giudecca để tổ chức siêu triển lãm Venice Biennale.

Để tổ chức siêu triển lãm Venice Biennale năm nay, Tòa Thánh Vatican đã chọn một địa điểm khác thường - nhà tù nữ Giudecca.

Vatican biến nhà tù thành siêu triển lãm Venice Biennale - Ảnh 1.

Một con kênh ở Venice, với nhà tù nữ Giudecca, được gọi là Convertite, ở bên trái.

Venice Biennale là một trong những triển lãm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới, do Hội đồng Thành phố Venice thành lập vào ngày 19/4/1893. Các sản phẩm được trưng bày tại Venice Biennale thuộc các lĩnh vực: nghệ thuật, kiến trúc, khiêu vũ, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh của Italy và quốc tế.

Tòa Thánh Vatican lần đầu tiên tham gia Biennale vào năm 2013, nhưng đây là năm đầu tiên họ tổ chức đại triển lãm này tại nhà tù. Đức Hồng Y José Tolentino de Mendonça, người phụ trách Bộ Văn hóa và giáo dục Vatican cho biết, Đức Thánh Cha Francis dự kiến sẽ trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Biennale, hạ cánh bằng trực thăng trong sân nhà tù vào ngày 28/4 trước khi đến Quảng trường San Marco để cử hành Thánh lễ.

Trong một email, Giovanni Russo, người đứng đầu Cục Quản lý Tòa án thuộc Bộ Tư pháp Italy, cho biết, ông đã được Đức Hồng Y, người cũng là một nhà thơ và nhà tiểu luận, liên hệ để phối hợp tổ chức Gian hàng Vatican.

Vatican biến nhà tù thành siêu triển lãm Venice Biennale - Ảnh 2.

Nhà tù nữ Giudecca

Giống như bất kỳ một vận động viên thể thao nào cũng mơ ước được một lần thi đấu tại Olympic, bất kỳ một nghệ sĩ nào trên thế giới cũng mơ ước được góp mặt tại triển lãm nghệ thuật quốc tế Venice Biennale.

Đạo diễn Marco Perego đã thực hiện bộ phim ngắn, gần như không lời tên là Dovecote để chiếu tại triển lãm Biennale. Perego cho biết: "Tôi muốn đối chiếu vẻ đẹp của Venice, một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới, với sự tĩnh lặng bên trong nhà tù nữ Giudecca.Tôi muốn đặt câu hỏi: Tự do nghĩa là gì?".

Trong thời gian diễn ra Biennale, bộ phim sẽ được trưng bày trong phòng thăm viếng của nhà tù, như một phần của Vatican Pavilion, được trưng bày khắp tòa nhà. Triển lãm cũng sẽ giới thiệu các tác phẩm của rất nhiều nghệ sĩ khác, được thể hiện trong các không gian bao gồm sân trong, nhà nguyện và quán ăn tự phục vụ của nhà tù.

With My Eyes là tiêu đề gian hàng của Vatican, được phụ trách bởi Bruno Racine, Giám đốc bảo tàng Palazzo Grassi của Venice và Chiara Parisi, Giám đốc Trung tâm Pompidou-Metz.

Một tác phẩm của nghệ sĩ người Syria gốc Lebanon Simone Fattal, đặt những đoạn trích từ những tác phẩm do tù nhân viết lên những tấm bảng làm bằng dung nham cứng lại. Một người viết bằng tiếng Ý: "Ở nơi này không có áo giáp". Một tác phẩm khác có chân dung các tù nhân khi còn là những cô gái và phụ nữ trẻ của họa sĩ người Pháp Claire Tabouret, dựa trên những bức ảnh được cung cấp. Biên đạo múa hip-hop người Pháp Bintou Dembélé đã dàn dựng một điệu nhảy để các tù nhân biểu diễn một phần.

Các tù nhân cũng sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn du khách tham quan các khu trưng bày. Các lính canh cũng tham gia các vai trò trong triển lãm. Du khách để lại điện thoại di động của họ cho người bảo vệ khi bước vào nhà tù. Khoảng 80 tù nhân sống tại Giudecca và Racine ước tính rằng hầu hết tất cả họ sẽ tham gia cuộc triển lãm.

Triển lãm sẽ nêu bật một số khía cạnh trong cách chính quyền Italy điều hành nhà tù này. Parisi viết trong một email: "Triển lãm trong nhà tù có nghĩa là thể hiện một thực tế xa lạ đối với hầu hết mọi người, những người sẽ không bao giờ bước vào không gian đó nếu không có các tác phẩm nghệ thuật thu hút họ".

Vatican biến nhà tù thành siêu triển lãm Venice Biennale - Ảnh 3.

Các nữ tu thăm nhà nguyện của nhà tù - cảnh trong phim Dovecote

Nhà tù cũng có vườn và các sản phẩm hữu cơ do tù nhân trồng ở đó (được trả tiền cho công việc của họ), được bán cho công chúng và đồ vệ sinh cá nhân được sản xuất tại nhà tù được đưa vào phòng tắm của một số khách sạn hàng đầu ở Venice.

Một trong những điểm đặc biệt của triển lãm Venice Biennale là việc đưa vào các tác phẩm từng gây tranh cãi. Đầu tiên là bản in lụa của Corita Kent, một nữ tu Công giáo lâu năm và nhà hoạt động tiến bộ đã qua đời vào năm 1986. Trong một email, Parisi nói rằng tác phẩm của Kent được đưa vào để kết hợp "các văn bản thiêng liêng, thơ ca, những câu nói và hình ảnh đại chúng trong những tác phẩm thách thức quy ước".

Khi bà Kent còn sống, hồng y người Mỹ James McIntyre đã tố cáo màn lụa của bà là báng bổ. Một nghệ sĩ khác trong chương trình, Maurizio Cattelan, đã gây tranh cãi trong giới Công giáo với tác phẩm ông thực hiện vào năm 1999, bức tượng Giáo hoàng John Paul II bị một thiên thạch rơi xuống. Đóng góp của Cattelan cho Vatican Pavilion là tác phẩm điêu khắc về một con người khác trên mặt đất, một người đàn ông không rõ danh tính, đang ngủ trên vỉa hè với một con chó làm bạn đồng hành…

Vatican biến nhà tù thành siêu triển lãm Venice Biennale - Ảnh 4.

E Eye Love - bản in lụa năm 1968 của nữ tu và nhà hoạt động Corita Kent, cũng sẽ được trưng bày tại gian hàng của Vatican

Racine cho biết, quyết định cho các tù nhân tham gia rộng rãi vào hầu hết các hoạt động trong cuộc triển lãm này được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của nhà tâm lý học trong tù. Ông chia sẻ: "Dự án lần này là cơ hội duy nhất để các tù nhân nhận được một hình thức công nhận. Dự án nhằm mục đích công nhận phẩm giá của các tù nhân mà không quên rằng những người phụ nữ này đang phải chịu những bản án dài hạn".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước