Gia tăng các cuộc tấn công trên Biển Đỏ

Thế giới hôm nay-Thứ năm, ngày 21/12/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Phong trào Houthi ở Yemen hôm qua tuyên bố sẽ không dừng các cuộc tấn công vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Đại diện phong trào Houthi ở Yemen cho biết, lực lượng này có thể tiến hành tấn công khoảng 12 giờ một lần. Lực lượng này sẽ chỉ ngừng các cuộc tấn công nếu Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Dải Gaza và cho phép đưa thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu tới tay những người dân Palestine đang bị bao vây ở vùng lãnh thổ này.

Phản ứng trước các động thái của Houthi, Mỹ, Liên minh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số quốc gia, trong đó có Yemen, đã đưa ra tuyên bố chung lên án "sự can thiệp của Houthi vào các quyền và tự do hàng hải" trong bối cảnh các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra ở Biển Đỏ.

Ông David Cameron - Bộ trưởng Ngoại giao Anh nói: "Điều tôi nghĩ là cần thiết ở Biển Đỏ đảm bảo hoạt động vận tải biển có thể tiếp tục vận chuyển dầu, vận chuyển hàng hóa... Chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình và điều rất quan trọng là hoạt động vận chuyển phải được tiếp tục".

Trước đó, Mỹ cũng đã công bố một liên minh hàng hải gồm 10 quốc gia, với mục tiêu ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi nhằm vào các tàu thuyền qua lại Biển Đỏ.

Nguy cơ gián đoạn thương mại quốc tế trên Biển Đỏ

Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, một phần của tuyến vận tải huyết mạch Đông -Tây của thế giới, trong những ngày gần đây càng làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn khi chỉ vừa chớm phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Gia tăng các cuộc tấn công trên Biển Đỏ - Ảnh 1.

Các tác động trước mắt là giá dầu tăng hơn 1% vào phiên giao dịch hôm qua. Giá dầu thô Brent tăng 1,6%, lên 79,23 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2024 tăng 1,3%, chốt ở mức 73,44 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong hơn hai tuần qua.

Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này.

Sau khi một số tàu bị tấn công, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ trong khi nhiều tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn điều chỉnh lịch trình và chi phí vận chuyển. Theo giới phân tích những quyết định này được cho là sẽ gây tác động đối với hoạt động thương mại toàn cầu, mức độ tác động tùy thuộc vào thời gian khủng hoảng tiếp diễn.

Ông Carsten Brzeski - Nhà kinh tế học: "Nếu khủng hoảng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, người tiêu dùng sẽ không nhận thấy điều gì, có thể ngoại trừ giá năng lượng tăng cao, nó sẽ chỉ là tạm thời. Nếu kéo dài lâu hơn, chúng ta sẽ thấy lạm phát tăng trở lại, không ở mức độ như chúng ta đã thấy vào năm 2021 nhưng rõ ràng, khi đó chúng ta sẽ có một câu chuyện hoàn toàn mới, không còn là câu chuyện rằng lạm phát đang trên đà giảm mà là câu chuyện đó lạm phát sẽ tăng trở lại vào tháng đầu tiên của năm 2024".

Ông Marco Forgione - Tổng Giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại Quốc tế: "Tôi nghĩ về tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến lạm phát mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Liên quan đến những gì đang xảy ra với sự chậm trễ ở Biển Đỏ, thật không may, tôi nghĩ những điều đó dường như cũng đang leo thang. Nếu bạn nhìn vào số lượng các cuộc tấn công mà phiến quân Houthi đã tiến hành, cả bằng máy bay không người lái, các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo… những cuộc tấn công này đang gia tăng trong những ngày gần đây".

Gia tăng các cuộc tấn công trên Biển Đỏ - Ảnh 2.

Nếu các hệ lụy thương mại vẫn là bài toán thì những tổn thất về chi phí bảo hiểm do điều chỉnh lộ trình và sự chậm trễ hàng hóa là những tác động trực tiếp trước mắt. Ước tính, chi phí để một tàu cỡ lớn chở dầu thô đi qua kênh đào Suez từ châu Âu tới Trung Đông đã tăng 25% trong 1 tuần.

Chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải trong tháng 12 đã tăng 44% lên mức 2.413 USD. Trước đó, mức giá này hồi đầu năm chỉ là gần 1.400 USD.

Không chỉ cước tăng mà thời gian vận chuyển cũng tăng sau khi nhiều hãng vận tải biển đã thay đổi hải trình. Nhiều hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk hay các công ty dầu mỏ hàng đầu gồm BP và Frontline đều thông báo sẽ tránh di chuyển qua tuyến đường biển này, điều chỉnh hướng lộ trình sang phía mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi.

Ông Jan Hoffmann - Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD): "Giá cước vận chuyển container đã tăng lên. Chúng đã tăng lên mức cao nhất vào năm 2023, dù mức giá này là thấp so với khủng hoảng chuỗi cung ứng thời COVID nhưng vẫn cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm 2023".

Để giảm thiểu nguy cơ, hãng Electrolux của Thụy Điển thông báo đã lập một đội chuyên trách giúp giảm tác động của các cuộc tấn công trên Biển Đỏ. Các biện pháp được thực hiện bao gồm nhận diện những chuyến vận chuyển đặc biệt nhạy cảm về mặt thời gian và tìm lộ trình thay thế khi được yêu cầu.

Nguy cơ trên Biển Đỏ

Lực lượng Houthi trước đó đã thề sẽ thực hiện các cuộc tấn công như hiện nay cho đến khi một lệnh ngừng bắn đầy đủ được thực thi ở Dải Gaza. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu căng thẳng tại Biển Đỏ có nguy cơ bị đẩy lên đến mức làm đình trệ hoàn toàn hoạt động vận tải trên tuyến đường biển huyết mạch này hay không? Và các đánh giá đến lúc này về một nguy cơ như vậy là không cao. Đơn giản bởi lẽ Biển Đỏ là tuyến đường vận tải quá thiết yếu với tất cả các quốc gia. 

Gia tăng các cuộc tấn công trên Biển Đỏ - Ảnh 3.

Không chỉ Israel hay các nước phương Tây, các nước Arab vùng Vịnh, Trung Quốc, Iran hay Ấn Độ cũng xem đây là tuyến vận tải có ý nghĩa sống còn cho sự lành mạnh các dòng chảy thương mại của mình… Ai cũng hiểu lực lượng Houthi hay bất cứ lực lượng nào cũng không thể chỉ hoạt động một mình mà không có quan hệ gì với ai. Vậy nên lực lượng Houthi được cho sẽ không dễ mà tự tung tự tác đẩy các căng thẳng tại Biển Đỏ lên mức không thể kiểm soát. Cái mà người ta lo ngại hiện nay là lực lượng Houthi sẽ giữ cho những căng thẳng hiện nay tại Biển Đỏ luôn ở trạng thái thường trực, làm gia tăng các chi phí bảo hiểm đối với tàu bè, từ đó tạo thêm sức ép cho tình trạng lạm phát giá lương thực hay giá năng lượng hiện nay.

Một tác động theo hướng như vậy thì tới mức độ nào sẽ cần thời gian trả lời. Mà thực tế là sẽ phụ thuộc rất nhiều khả năng phối hợp, đồng lòng của các cường quốc đến đâu trong việc bảo vệ các hoạt động vận tải quốc tế trên Biển Đỏ.

Theo các chuyên gia thì tình hình tại Biển Đỏ cũng đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, nếu các nước không có phản ứng, lực lượng Houthi có thể tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công. Và thứ hai, nếu có các hành động quân sự mạnh, có thể đẩy nguy cơ leo thang thành xung đột - nguy cơ gây tắc nghẽn vận tải qua Biển Đen và kênh đào Suez.

Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng hiện là thông qua đàm phán với một cuộc đối thoại toàn diện bao gồm các bên liên quan chủ chốt trong khu vực để cùng nhau ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

Biển Đỏ

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước