Đồng Nai đã ghi nhận hơn 880 ca bệnh tay chân miệng

Mai Liên, icon
09:32 ngày 07/05/2024

VTV.vn - Số ca mắc tay chân miệng cộng dồn từ đầu năm đến nay là 884 ca, tăng 90,93% so với cùng kỳ.

Trường mầm non Tân Hoà (TP.Biên Hoà) vệ sinh dụng cụ học tập và đồ chơi cho trẻ. Ảnh: CDC Đồng Nai

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), trong tuần 18 (26/4-2/5/2024), toàn tỉnh ghi nhận 150 ca mắc tay chân miệng, tăng 17,19% so với tuần trước (128 ca) và tăng 177,78% so với tuần cùng kỳ 2023 (54 ca). Số ca mắc trong tuần tăng tại các huyện/thành phố: Biên Hòa, Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Khánh.

Số ca mắc tay chân miệng cộng dồn từ đầu năm đến nay là 884 ca, tăng 90,93% so với cùng kỳ 2023 (463 ca).

Tính từ đầu năm đến nay, tổng số ổ dịch được phát hiện là 26 ổ, tăng 85,71% so với cùng kỳ. Tỷ lệ ổ dịch xử lý trong toàn tỉnh đạt 100% (26 ổ dịch được xử lý/26 ổ dịch phát hiện).

Theo CDC Đồng Nai nhận định: Tiếp tục đuôi dịch cao của năm 2023, ghi nhận số ca mắc những tuần đầu năm 2024 cao so với cùng kỳ 2023, tuần 15,16 ghi nhận số ca mắc tăng đột biến (hơn 90 ca/tuần), tuần 17 số ca mắc tiếp tục tăng cao (128 ca), tuần 18 số ca mắc vẫn tiếp tục tăng (150 ca). Vì vậy các đơn vị cần chủ động giám sát, xử lý ổ dịch tay chân miệng và truyền thông các biện pháp phòng chống, nhằm hạn chế số mắc trong thời tiết nắng nóng cực đoan, dẫn đến trẻ dễ bị bệnh, miễn dịch giảm, nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng tăng.

Còn theo báo cáo của Viện Pasteur Tp. Hồ Chí Minh, trong tuần 17 (22-27/4) khu vực phía Nam ghi nhận 893 ca mắc, gấp 2,8 lần so với năm 2023. Tích luỹ từ đầu năm đến tuần 17, toàn khu vực ghi nhận 10.171 ca mắc tăng 2,3 lần so với năm 2023.

Để phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... Đồng thời, hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà còn có thể ảnh hưởng đến cả người lớn. Tay chân miệng là bệnh không có thuốc đặc trị, phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi sau 10-14 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Nhà trường và phụ huynh hoàn toàn có thể bảo vệ con mình khỏi bị lây nhiễm. Nếu có dịch tay chân miệng bùng phát tại trường, hãy: Hạn chế tiếp xúc gần; Tăng cường vệ sinh khử khuẩn; Nhắc nhở phụ huynh cho con em ở nhà khi trẻ có triệu chứng bệnh; Chăm sóc và điều trị phù hợp cho trẻ mắc bệnh; Lưu ý các dấu hiệu trở nặng của bệnh; Thông báo ngay cho cơ quan y tế và chính quyền địa phương khi có ca bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục