Bệnh dại trên đàn chó diễn biến phức tạp, nguy cơ lây sang người rất cao

Minh Khang, icon
04:46 ngày 30/04/2024

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, tại khu vực phía Nam đã ghi nhận 9 ca tử vong do bệnh dại, riêng tỉnh Cà Mau ghi nhận 1 ca tử vong tại huyện Thới Bình.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cà Mau ghi nhận 4 ổ dịch dại trên đàn chó tại thành phố Cà Mau, huyện Đầm Dơi và huyện Ngọc Hiển. Những vật nuôi này đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Đây là những nguyên nhân làm cho bệnh dại ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Thực hiện kế hoạch phối hợp phòng, chống bệnh từ động vật sang người, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tăng cường công tác tập huấn cập nhật kiến thức phòng bệnh dại cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch và cán bộ thú y tại các huyện, thành phố. Tập huấn kiến thức truyền thông phòng bệnh dại cho lực lượng công tác viên, nhân viên y tế, chính quyền địa phương của các xã, phường, thị trấn. Từ đó, các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và truyền thông nâng cao ý thức phòng bệnh đến người dân.

Bác sĩ Lâm Chí Phương, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS và Các bệnh xã hội, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước cho biết: Trung tâm Y tế thường xuyên phối hợp với trạm y tế, cán bộ thú y tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Hướng dẫn người dân các biện pháp dự phòng bệnh dại không để bệnh dại lây sang người. 

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền từ động vật, chủ yếu là chó, mèo, thông qua vết cào, cắn, liếm vào vết thương hở. Trẻ em là đối tượng tiếp xúc gần và dễ bị chó, mèo tấn công và lây nhiễm bệnh dại cao. Bệnh dại có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể từ 5 đến 7 ngày, thậm chí đến vài năm, một khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong là 100%. Do đó, người dân không được chủ quan, mà cần thực hiện tiêm vaccine dại trên chó, mèo và cả trên người để phòng bệnh hiệu quả. 

Bác sĩ Đoàn Văn Nam, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết: "Chúng tôi tiếp tục tăng cường phối hợp với ý thú y trong việc trao đổi thông tin để phát hiện sớm ổ dịch dại để có hướng xử lý, không để dịch lây lan. Đặc biệt là triển khai các biện pháp tuyên truyền phòng bệnh dại trên người. Ngành Y tế khuyến cáo người dân tiêm vaccine khi bị chó, mèo cào, cắn hay liếm trên vết thương hở, tuyệt đối không được điều trị bằng phương pháp dân gian".

Hiện, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vaccine phòng bệnh dại miễn phí cho cán bộ làm công tác phòng chống dịch, cán bộ thú y, đặc biệt là tiêm miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Đây là giải pháp điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm bệnh dại trên người, góp phần chủ động phòng, chống bệnh dại trên người trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục