Triển vọng đầu tư thủy sản công nghệ cao

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 13/04/2024 13:56 GMT+7

VTV.vn - Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nuôi trồng thủy hải sản đang là hướng đi được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường.

Ngành thủy sản Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ suy giảm nguồn lợi hải sản. Nguyên nhân là do khai thác quá mức, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nuôi trồng thủy hải sản đang là hướng đi được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường.

Những năm gần đây, nhiều địa phương miền Trung đã bắt đầu có sự quan tâm đến lĩnh vực này. Đã có nhiều mô hình, cách làm và thậm chí có các doanh nghiệp bắt đầu đầu từ vào thủy sản xông nghệ cao và bước đầu đã mang lại những tín hiệu, kết quả tích cực.

Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển thủy sản

Từ năm 2020, một doanh nghiệp đã đầu tư dự án sản xuất tôm giống công nghệ cao tại Quảng Nam. Trên diện tích 2,4 ha, doanh nghiệp đã xây dựng hạ tầng, nhà xưởng khép kín cùng các khu xử lý nước, khu xét nghiệm, khu sản xuất đông trùng hạ thảo để làm thức ăn nuôi tôm... Với quy trình kỹ thuật tiên tiến, hạ tầng, trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân tay nghề cao, doanh nghiệp đã áp dụng các chuẩn BMP, VietGAP, GlobalGAP về sản xuất tôm giống sạch. Nhờ vậy, hệ thống sản xuất tại đây luôn hoạt động hết công suất, mỗi tháng xuất bán khoảng 800 triệu con giống cho thị trường cả nước, từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.

Với chiều dài bờ biển gần 2 ngàn km, các tỉnh miền Trung có nguồn nguyên liệu thủy hải sản vô cùng đa dạng, phong phú. Vì vậy, một số địa phương đang đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao năng lực khai thác, chế biến và giá trị thủy sản xuất khẩu. Tại khu vực Bắc Trung bộ, vấn đề này đang được các địa phương chú trọng bằng cách từng bước nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm thủy sản.

Thủy sản của các tỉnh miền Trung hiện đã xuất khẩu qua nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu và Nhật Bản... Tuy vậy, để hình thành ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng công nghệ cao, cần có nhiều giải pháp, từ đó mới tạo được thu nhập cao từ kim ngạch xuất khẩu để ngành chế biến thủy sản phát triển bền vững.

Tháo gỡ những bất cập để hỗ trợ thủy sản công nghệ cao

Hướng đến sản xuất bền vững là mục tiêu của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, trên thực tế, khi triển khai các mô hình này ở Việt Nam, vẫn xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ. Điển hình như vấn đề về hạ tầng, cơ chế ưu đãi, vốn đầu tư lớn, định hướng và kết nối để mở rộng thị trường tiêu thụ... Bởi vậy, cần sớm tháo gỡ được những vướng mắc này, để có thể thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào thủy sản công nghệ cao và gia tăng được giá trị cho thủy sản Việt Nam.

Thời gian gần đây, ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư lồng HDPE để nuôi trồng thủy sản. Việc các địa phương khu vực ven biển miền Trung nằm trong vùng có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới cao thì việc định hướng ngư dân phát triển nuôi biển công nghiệp, chuyển đổi từ lồng bè gỗ sang lồng vật liệu mới là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc này chỉ mới bắt đầu nhen nhóm bởi kinh phí đầu tư lớn, đồng thời người nuôi cá lồng cũng cần được cập nhật, phổ biến nhiều thông tin về công nghệ nuôi trồng mới.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khi muốn mở rộng đầu tư, nâng tầm quy mô sản xuất thủy sản công nghệ cao lại gặp không ít vướng mắc như nguồn vốn đối ứng lớn, thiếu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tương ứng và cơ chế ưu đãi đặc thù về môi trường, đất đai.

Một vấn đề khác mà nhiều địa phương miền Trung gặp phải là lĩnh vực chế biến thủy sản hiện chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư chuyên sâu. Đa số cơ sở chế biến hiện có quy mô nhỏ lẻ; việc cơ giới hoá và tự động hoá chưa nhiều, phần lớn nằm trong khu dân cư, sản xuất theo phương thức thủ công, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, có thể thấy, đầu tư phát triển sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao để thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp với thế mạnh đang có là xu hướng mà các tỉnh miền Trung đang chú trọng. Song phải nhìn nhận rằng, việc đầu tư vào lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn. Trong đó có thể kể đến là diễn biến thất thường về thời tiết, dịch bệnh; hạ tầng công nghệ còn yếu, thiếu đồng bộ và việc tồn tại nhiều mô hình sản xuất nhỏ lẻ là những vấn đề cần tháo gỡ cho lĩnh vực nhiều tiềm năng và triển vọng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước