Tiềm năng lớn của ngành tre Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 27/04/2024 21:45 GMT+7

VTV.vn - Những năm gần đây, việc sản xuất, chế biến xuất khẩu tre đã được nhiều địa phương mở rộng.

Ngành tre Việt Nam thay đổi quy mô phát triển

Cây tre là cây trồng quen thuộc ở nhiều làng quê nhưng hiện đã thay đổi quy mô phát triển trở thành ngành hàng kinh tế rất tiềm năng.

Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm từ tre tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch khoảng 300 - 400 triệu USD. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Tuy nhiên, thị phần mới chỉ chiếm 3% trong tổng thương mại tre toàn cầu. Với diện tích tre của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới, mục tiêu có thể chiếm 10% thương mại tre toàn cầu trong 10 năm tới được đánh giá là khả thi.

Mở rộng trồng tre giúp nông dân thoát nghèo

Tài nguyên tre rất phong phú và đa dạng, với hàng trăm loài, trong đó có một số loài kinh tế cao như: tầm vông, tre gai… Đặc biệt, với đặc tính dễ trồng, tre phù hợp với cả những nơi đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. Do vậy, không ít địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa đã thực hiện chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang các loại tre, tầm vông.

Ông K'Vồng và hầu hết đồng bào Mạ sinh sống tại thôn Tố Lan, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng không dám nghĩ có thể thoát khỏi hộ nghèo. Từ khi có đề án đổi chuyển cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre, tầm vông, trong thôn bây giờ chỉ còn 2 hộ nghèo.

"Trồng điều trước đây khổ, vất vả, hay bệnh nên chết hết. Trồng tầm vông thì không bị bệnh, sản xuất đạt chất lượng hơn" - ông K'Vồng chia sẻ.

Để người dân có đầu ra ổn định, năm 2021, địa phương đã thành lập Hợp tác xã Sơ chế tre, tầm vông và được tỉnh Lâm Đồng công nhận làng nghề trồng, chế biến tầm vông thôn Tố Lan.

Ông K'Miếu - Giám đốc Hợp tác xã tầm vông Tố Lan - cho biết: "Hợp tác xã tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc và khai thác rồi bán cho công ty. Đầu ra rất ổn định, thu nhập cho bà con ngày càng phát triển".

Ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn - cho hay: "Đến nay, diện tích chúng tôi triển khai đã hơn 50 ha. Thu nhập, đời sống bà con ngày càng ổn định, bà con lấy ngắn nuôi cây tầm vông ngày càng phát triển".

Trồng tầm vông không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà với đặc điểm rễ sâu, giữ nước tốt, tầm vông còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường ở địa phương miền núi Nam Tây nguyên này.

Triển vọng xuất khẩu tỷ USD

Bà con miền núi ở phía Nam Tây Nguyên đang có sự đổi thay tích cực không chỉ về đời sống kinh tế mà còn dần tạo được thương hiệu tầm vông địa phương.

Hiện tại, nhiều đơn vị đã đến ký kết thu mua và sản xuất các sản phẩm từ tầm vông để cung ứng trong nước và mở ra triển vọng xuất khẩu

Từ khi được công nhận làng nghề, nhiều lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định. Những công nhân ở đây đã dần thành thục mọi quy trình chế biến, sản xuất các sản phẩm từ tầm vông như bàn, ghế, giường, tủ nhờ sự hướng dẫn, đào tạo của phía doanh nghiệp liên kết.

Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những đồ vật thân thiện với thiên nhiên. Những sản phẩm từ tầm vông được đánh giá cao về sự đa dạng mẫu mã, tính thẩm mỹ cao và độ bền tương đương gỗ. Tuy nhiên, để con đường tiêu thụ bền vững trong nước và xuất khẩu thì cần có chiến lược liên kết lâu dài.

Ngoài ra, việc chú trọng sản xuất tầm vông nói riêng, các loại tre nói chung trong vùng nguyên liệu tuân thủ theo Tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý rừng bền vững (FSC) và Chứng nhận tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (BSCI) cũng là một lợi thế lớn để xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước