Thanh tra Chính phủ: Bộ Công Thương quản lý xăng dầu lỏng lẻo

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 05/01/2024 09:59 GMT+7

VTV.vn - Do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đã ký ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, trong đó nêu nhiều vi phạm của Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng này.

Thanh tra Chính phủ nhận định, hàng năm thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 18,5-20,5 triệu tấn xăng dầu, trong đó xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 14,3 triệu tấn.

Theo kết luận, từ ngày 1/1/2017 – 30/6/2022, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.

Một trong những điều kiện để được cấp phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo Nghị định 83/2014, là phải có kho, bể xăng dầu hoặc thuê đơn vị khác từ 5 năm trở lên.

Theo kết luận, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép xác nhận. Nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phi..

"Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm ở khâu cấp phép và thực hiện các điều kiện cấp phép của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối", kết luận nêu.

Thực tế, sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.

Thực tế, sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.

"Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo và không kịp thời phát hiện các vi phạm trong duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối", kết luận thanh tra nêu rõ.

Cũng theo kết luận, từ năm 2017 đến tháng 9/2022, một số thương nhân phân phối xăng dầu đã bán xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sai quy định, với khối lượng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu chênh lệch giá bất hợp pháp với số tiền khoảng 950 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng đến chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Bên cạnh đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã không tạo nguồn xăng dầu theo nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Theo Thanh tra Chính phủ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.

"Để xảy ra tình trạng nêu trên trong nhiều năm là do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời", kết luận Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Thanh tra Chính phủ: Bộ Công Thương quản lý xăng dầu lỏng lẻo - Ảnh 1.

Theo Thanh tra Chính phủ, do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, chấn chỉnh không kịp thời dẫn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn biến phức tạp, nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc.

Cụ thể như Công ty Cổ phần Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp ủy quyền việc mua bán xăng dầu cho các công ty không phải là công ty con và không được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ủy quyền cho các công ty con thuộc tập đoàn được thực hiện ký hợp đồng mua, bán xăng dầu với thương nhân đầu mối khác và bán tái xuất xăng dầu với sản lượng hơn 4.469.000 m3; các công ty cổ phần của Petrolimex bán tái xuất xăng dầu với sản lượng hơn 6.266.000 m3.

Các công ty con của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng bán xăng dầu cho công ty mẹ, mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối, mua xăng dầu của các thương nhân phân phối khác.

Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư – Công ty con của PV Oil đã mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các đơn vị thành viên khác thuộc PV Oil với 87.801 m3 xăng dầu, các công ty con của PV Oil đã bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối khác là 131.162 m3/tấn.

Các công ty con của Công ty TNHH Petro Bình Minh mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các công ty con của thương nhân đầu mối với số lượng 82.673m3/ tấn xăng dầu, bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối và các công ty con của thương nhân đầu mối với số lượng 36.806m3/tấn, mua bán xăng dầu với nhau với số lượng 278.168 m3/xăng dầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước