Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp ngành thép

VTV Digital-Thứ ba, ngày 02/04/2024 17:45 GMT+7

VTV.vn - Hai doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Hai doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu. Cơ quan này cho biết đã tiếp nhận hồ sơ và đang xử lý theo quy trình, việc có khởi xướng điều tra hay không sẽ phải dựa vào những dữ liệu cụ thể và đánh giá khách quan, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng của nước ta vào khoảng 10 - hơn 13 triệu tấn/năm, trong đó, sản lượng các nhà sản xuất trong nước có thể đáp ứng là khoảng 3,4 triệu tấn, tức là khoảng 30% nhu cầu.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp ngành thép - Ảnh 1.

Nếu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có tác động không nhỏ đến ngành thép

Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc trực - Tập đoàn Hoa Sen cho biết: "Đối với mặt hàng thép cán nóng, cung không đủ cầu dẫn đến Tập đoàn Hoà Phát và Formosa luôn luôn bán giá cao hơn giá nhập khẩu từ 10 -20 USD/ tấn và thậm chí có những thời điểm lên đến 40-50 USD/ tấn và cũng không đủ hàng để bán. Thứ hai là sản lượng sản xuất và sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hòa Phát và của Formosa tăng trưởng liên tục trong 5 năm gần nhất".

Do cung không đủ cầu, nên hiện nhiều doanh nghiệp tôn mạ vẫn đang phải nhập khẩu thép cán nóng để làm nguyên liệu sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, thời điểm này nếu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, sẽ có tác động không nhỏ đến ngành thép.

Ông Huỳnh Nghĩa Thiện - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thép Vina One chia sẻ: "Mặt hàng thép cuộn cán nóng có ảnh hưởng rộng trong không chỉ riêng ngành thép mà còn của các ngành khác sử dụng thành phẩm từ thép như tôn mạ, ống thép để sản xuất tiếp trong chuỗi cung ứng. Tôi cũng mong Chính phủ và các cơ quan ban ngành cũng cân nhắc thật kỹ lưỡng các ảnh hưởng có thể gây đến".

Theo quy định hiện nay, để áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ 3 điều kiện:

- Điều kiện 1: Hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá với biên độ được xác định cụ thể.

- Điều kiện 2: Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể.

- Điều kiện 3: Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở Điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước ở Điều kiện 2.

Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, hiện đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị của một số doanh nghiệp, căn cứ theo quy định, quy trình, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ.

Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng - Trưởng phòng điều tra thiệt hại và tự vệ, Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương nhận định: "Trong vòng 45 ngày kể từ ngày có kết quả thông báo hồ sơ đầy đủ hợp lệ, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ tiến hành thẩm định các dấu hiệu có hành vi bán phá hay không, dấu hiệu ngành sản xuất trong nước có thiệt hại đáng kể hay không, dấu hiệu gia tăng nhập khẩu đột biến hay không, và những tác động kinh tế xã hội trước khi Cục Phòng vệ Thương mại báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương là có tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc này hay không?"

Cục Phòng vệ Thương mại khẳng định, quá trình điều tra sẽ được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đảm bảo việc tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước