Sớm thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc

VTV Digital-Thứ tư, ngày 03/04/2024 11:52 GMT+7

VTV.vn - Hiện không ít tuyến cao tốc đã vượt quá lưu lượng xe thiết kế, đòi hỏi phải được tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng để phù hợp với nhu cầu vận tải.

Nhiều tuyến cao tốc có nhu cầu đầu tư mở rộng

Các Bộ ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, đề xuất phương án nâng cấp, mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu đã được phân kỳ đầu tư để sớm đạt quy mô hoàn chỉnh. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại công điện số 16 mới đây.

Thực tế sau nhiều năm khai thác, các dự án cao tốc đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hiện không ít tuyến đã vượt quá lưu lượng xe thiết kế, đòi hỏi phải được tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng để phù hợp với nhu cầu vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sau 10 năm khai thác đến nay lưu lượng xe đã vượt quá công suất thiết kế.

Anh Phạm Văn Hiển - Quận 12, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Thường xuyên hay tắc đường vào giờ cao điểm hoặc ở các nút thắt. Mong Nhà nước có điều kiện thì nâng cấp mở rộng đường để lưu thông dễ dàng hơn".

Trung bình mỗi ngày có khoảng 40.000 xe lưu thông trên tuyến. Thậm chí, ngày cao điểm nhất lên tới 90.000 xe. Với hai làn mỗi chiều, không có làn dừng khẩn cấp, lại nằm cách trạm thu phí chỉ vài trăm mét nên cầu Long Thành là một trong những nút thắt cổ chai lớn trên tuyến này.

Ông Liêu Khải Tùng - Trưởng văn phòng giám sát điều hành tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây chia sẻ: "Với lưu lượng xe đông và thiết kế của cầu Long Thành dẫn đến vẫn còn rất nhiều trường hợp xảy ra như xe đông di chuyển chậm và kéo dài. Trước tình hình đó, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra biện pháp phân làn phân luồng từ xa để giảm tải cho lượng xe lưu thông trên cao tốc".

Tại nút giao giữa đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đang được đầu tư xây dựng, theo phương án VEC đề xuất sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp từ 4 làn xe lên 10 làn xe cho một cây cầu ở vị trí này.

Cũng theo Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang cần được mở rộng gần 22 km từ 4 làn xe lên 8 đến 10 làn xe. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai dài khoảng 122 km, mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe. Và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có gần 20 km mở rộng từ 4 lên 6 làn xe.

Ông Nguyễn Thế Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam nhận định: "Để đẩy nhanh tiến độ dự án, công tác chuẩn bị đầu tư rất quan trọng, cần được triển khai nhanh. Tổng Công ty Cao tốc Việt Nam ngay khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xong các bước nghiên cứu tiền khả thi và cũng sẵn sàng để trình các cấp có thẩm quyền khi chủ trương và phương án được thông qua".

Cũng theo ông Cường, phương án đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc sẽ được cân nhắc dựa trên nguồn lực, khả năng cân đối nguồn vốn, quy mô phân kỳ để phù hợp với lưu lượng xe theo từng giai đoạn.

Sớm thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc - Ảnh 1.

Để mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ cần hơn 14.300 tỷ đồng

Chuẩn bị vốn để mở rộng các dự án cao tốc

Vì đây là các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư, tức là quy mô đã được quy hoạch ngay từ đầu. Do đó, các thủ tục chuẩn bị đầu tư khá thuận lợi. Chỉ chờ sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư theo phương án nào thì sẽ có thể triển khai. Bên cạnh đó, nguồn vốn luôn là vấn đề cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để làm sao đảm bảo khả thi nhất.

Để mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ cần hơn 14.300 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam đề xuất được tự huy động 100% vốn đầu tư từ hai nguồn là vốn chủ sở hữu và vốn vay từ các ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Thế Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam nêu ý kiến: "Để đảm bảo khả năng huy động vốn chủ sở hữu thì VEC cũng đề xuất Nhà nước, Chính phủ xem xét cho lùi trả nợ trái phiếu khoảng 3.988 tỷ đồng. Còn lại khoảng 9.700 tỷ đồng, VEC sẽ huy động từ các ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển Việt Nam".

Việc huy động vốn vay để mở rộng các dự án cao tốc hiện hữu được cho là thuận lợi hơn các dự án đầu tư mới. Bởi các tuyến cao tốc này đều đang thu phí với lưu lượng xe tăng trưởng qua từng năm. Đây là cơ sở để các ngân hàng thương mại có thể thẩm định phương án tài chính có khả thi hay không.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận định: "Uỷ ban quản lý vốn đã chỉ đạo Tổng công ty làm việc rất khẩn trương với các tổ chức tín dụng trong nước. Về cơ bản, chúng tôi đã có được nhiều phương án thu xếp vốn và tương đối thuận lợi".

Theo đại diện Bộ Tài chính, các dự án giao thông liên vùng, đặc biệt là các dự án cao tốc sẽ được ưu tiên nguồn lực đầu tư. Trong đó có nguồn tăng thu ngân sách hàng năm. Điển hình như năm 2023, khoảng 65.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách của năm 2022 cũng đã cơ bản tập trung cho các dự án cao tốc.

"Tập trung nguồn lực để cho đầu tư các dự án cao tốc. Thực ra, đây là các tuyến huyết mạch mở ra những không gian để phát triển cho các địa phương" - ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết.

Tại công điện số 16, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và các địa phương đề xuất bố trí nguồn vốn, sớm thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước