Net Zero không phải là “cuộc chơi xa xỉ”

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 01/07/2023 12:32 GMT+7

VTV.vn - Net Zero không phải là "cuộc chơi của người giàu" là khẳng định của các khách mời tại Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội người dẫn đầu do VTV tổ chức.

Từ sinh hoạt thường ngày đến các hoạt động sản xuất kinh doanh đều phát thải ra môi trường. Nếu khí nhà kính tiếp tục khiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên 3,2oC vào năm 20250 thì ước tính 18% GDP toàn cầu sẽ bốc hơi.

Làm thế nào để lượng khí nhà kinh phát thải ra môi trường không lớn hơn lượng CO2 được loại bỏ ra khỏi khí quyển, tức mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), để đạt được mục tiêu này là trách nhiệm của mỗi người, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.

Net Zero không phải là "cuộc chơi của người giàu", đây là khẳng định của các khách mời tại Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội người dẫn đầu do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tuần qua tại Hà Nội. Bởi đây là nghĩa vụ, trách nhiệm và cả quyền lợi của mỗi người, mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, để tham gia vào quá trình chuyển dịch xanh - Net Zero, đòi hỏi những khoản chi phí không nhỏ. Theo một nghiên cứu của McKinsey, 3,5 nghìn tỷ USD là chi phí mỗi năm cho thế giới hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Con số này tương đương với mức tăng 60% so với mức đầu tư hiện nay và tương đương với khoảng một nửa lợi nhuận hàng năm của tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu.

Cùng với đó, khoảng hơn 1.000 tỷ USD là khoản vốn cần được chuyển dịch từ những dự án đầu tư cũ sang dự án đầu tư mới có tính bền vững hơn. Những con số khổng lồ cho thấy thách thức lớn về tài chính cho chuyển đổi xanh, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Muốn hướng đến Net Zero từ những việc đơn giản nhất như sử dụng đồ dùng hàng ngày làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường sẽ phải trả mức phí cao hơn. Tại phiên tọa đàm, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tích cực trong quá trình chuyển dịch xanh này đã lý giải cụ thể vì sao "Net Zero không phải là cuộc chơi của những người giàu?".

Net Zero không phải là "cuộc chơi xa xỉ"

"Đó là những tác động đến tất cả mọi người. Quốc gia giàu hơn có thể sẽ có nhiều tiền hơn để phát triển công nghệ hay giải pháp cho chính mình và hỗ trợ cho các quốc gia hay cộng đồng khác. Khi tôi đến Đức có những cánh rừng rất đẹp, nhưng đang bị tàn phá, bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hay Ở Việt Nam chẳng hạn, tại Đồng bằng sông Cửu Long, đời sống bà con cũng đang bị ảnh hưởng từ nước biển dâng. Vấn đề biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, do đó chung tay hành động là rất quan trọng", bà Anita H.Holgersen, Trưởng đại diện Equinor tại Việt Nam, cho biết.

Net Zero không phải là “cuộc chơi xa xỉ” - Ảnh 1.

Bà Anita H.Holgersen, Trưởng đại diện Equinor tại Việt Nam.

"Tác động tiêu cực của El Nino từ nay cho đến năm 2024 tác động ngày càng tiêu cực hơn. Bữa cơm hàng ngày của mọi người đã bắt đầu đâu đó có sự hiện diện của tác động tiêu cực này. Vậy tôi nghĩ đây không phải là cuộc chơi xa xỉ của người giàu, mà là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi", ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk, đánh giá.

"Tôi nghĩ đây không phải là một cuộc chơi, mà đây là sứ mệnh của các doanh nghiệp hàng không, mà chúng ta phải chủ động và tích cực thực hiện", ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển dịch xanh

Nếu mỗi cá nhân không hành động, thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn là được. Việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc nguyên liệu xanh vì một môi trường xanh hơn, không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ tương lai.

Còn với doanh nghiệp, đây là cuộc chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị hành trang để không bỏ lỡ. Không chỉ trong lĩnh vực hàng không hay sản xuất thực phẩm, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Các quốc gia này đều đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm phát thải, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero.

Do đó, để đạt được mục tiêu này, từng ngành, từng doanh nghiệp đã và đang có những cách thức làm riêng, như sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo...

"Chúng tôi cũng chú trọng đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời để chung tay phát triển năng lượng xanh", ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Intech Group, cho biết.

"Chúng tôi sử dụng công nghệ ép thủy lực, không nung, nên không thải ra chất thải ảnh hưởng môi trường", bà Đinh Hoài Giang, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Secoin, cho hay.

"Giảm tối đa việc phác thải khí CO2 bằng việc chúng tôi không nung vật liệu và không dùng than, do đó sẽ giảm được phát thải CO2", ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc, Công ty Bê tông khí Chưng áp Viglacera, chia sẻ.

"Taxi xanh ra mắt vào 14/4 vừa qua và sau hơn 2 tháng, chúng tôi nhận được sự tin yêu, hưởng ứng của cộng đồng khách hàng", ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần di chuyển xanh và thông minh GSM, cho biết.

Những lợi ích khi chuyển dịch xanh

Như chia sẻ của các doanh nghiệp, họ phải đầu tư vào những nguồn năng lượng mới, công nghệ hiện đại, đổi mới quy trình, đào tạo nhân lực hướng đến phát triển bền vững…

Khi xu thế phát triển bền vững đang trở thành điều tất yếu trên toàn thế giới, doanh nghiệp chậm bước trong tiến trình chuyển đổi xanh chính là đang đánh mất đi cơ hội tiếp cận những thị trường tiên tiến, đánh mất đi năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Những tổn thất là chi phí rất lớn đối với doanh nghiệp.

Hướng tới Net Zero là một hành trình dài, câu chuyện về lợi thế của những doanh nghiệp đang tích cực chuyển dịch xanh sẽ thuyết phục vì sao cần chuyển dịch xanh càng sớm càng có lợi.

Thảo luận tại hội thảo, đại diện Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk cho biết, nếu không chuyển đổi xanh thì sau này doanh nghiệp sẽ phải bỏ tiền ra mua tín chỉ carbon. Vinamilk sẽ không mua tín chỉ carbon, mà doanh nghiệp tự trung hòa bằng những hành động của mình. Nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều.

Net Zero không phải là “cuộc chơi xa xỉ” - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk, phát biểu.

"Nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu về lớn hơn rất nhiều. Nếu nhiều năm trước, chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra. Trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có, nhưng hiệu ích lớn hơn", Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển của Vinamilk Nguyễn Quốc Khánh, chia sẻ.

Đại diện hãng hàng không Vietjet cũng cho biết, người dẫn đầu sẽ có nhiều lợi thế trong việc chuyển dịch xanh khi nhận được sự hỗ trợ từ nhiều bộ ngành và các tổ chức.

"Khi có định hướng về chiến lược sớm thì các lựa chọn công nghệ, giải pháp đã đúng ngay từ đầu, từ đó giúp tiết kiệm rất nhiều trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, nếu là doanh nghiệp đi đầu, triển khai sớm thì sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, Chính phủ, các tổ chức và các nhà sản xuất đồng hành với chúng tôi từ sớm", Phó Tổng Giám đốc Vietjet Tô Việt Thắng cho hay.

Tín dụng nguồn vốn quan trọng cho chuyển dịch xanh

Ngoài những lợi ích khi chuyển dịch xanh sớm: như chi phí thấp, được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, hiện có hàng trăm tỷ USD từ các nhà đầu tư quốc tế đang chờ những cơ hội đầu tư khả thi, phù hợp, thông minh cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Việc các doanh nghiệp xác định được con đường tăng trưởng xanh, phát triển bền vững sẽ tạo sức hút mới với nhà đầu tư, đón đầu được dòng vốn ngoại.

Ngoài dòng vốn ngoại, với cuộc chuyển dịch mạnh mẽ như vậy, cần đến nhiều nguồn lực tài chính khác như trái phiếu hay dòng vốn tín dụng.

Với thị trường trái phiếu xanh, so với chuẩn mực quốc tế, chúng ta hiện vẫn đang ở mức độ khá sơ khai. Quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh vẫn còn tương đối hạn chế, đặc biệt khi số lượng trái phiếu xanh phát hành thành công vẫn mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Do vậy dòng vốn tín dụng vẫn đóng vai trò không nhỏ, buộc các ngân hàng thương mại dần phải nhập cuộc nhiều hơn trên đường đua tín dụng xanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mức độ nhận thức của các ngân hàng trong việc thúc đẩy nguồn vốn tín dụng xanh đã tăng đáng kể trong 5 năm trở lại đây.

Cụ thể, năm 2017 chỉ có 15 tổ chức tín dụng báo cáo về mức tín dụng xanh, với quy mô khiêm tốn. Tới hiện tại, 40 tổ chức tín dụng đã báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm.

Đáng chú ý, hiện số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam có đến khoảng 90% thuộc quy mô nhỏ và vừa, hay siêu nhỏ…

Net Zero không phải là “cuộc chơi xa xỉ” - Ảnh 3.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước).

Một số ngân hàng đã dành ra các gói tín dụng ưu đãi trị, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh như đầu tư vào hệ thống nông nghiệp xanh hoặc dây chuyền sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Mặt bằng chung của lãi suất tín dụng xanh thấp hơn so với bình quân 1 - 2%/năm.

"Với nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao là xây dựng ban hành Quyết định của Thủ tướng về danh mục cũng như tiêu chí xanh, tôi tin rằng danh mục này sẽ có hữu ích rất nhiều, giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, cũng như ưu đãi đầu tư cho dự án này. Đối với ngành ngân hàng, đây là một nguồn tài liệu, bộ tiêu chí hữu ích, là cơ sở để các ngân hàng thương mại tham chiếu trong quá trình thẩm định, xem xét quyết định cấp tín dụng", bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận định.

Cũng tại hội thảo Net Zero của VTV, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện đang xây dựng bộ quy chuẩn danh mục xanh phù hợp với thông lệ quốc tế. Như vậy, các ngân hàng sẽ có cơ sở đối chiếu khi quyết định xét duyệt nguồn vốn xanh. Còn các doanh nghiệp đa ngành nghề cũng có định hướng phát triển rõ ràng để tiếp cận được nguồn vốn vay từ cả trong nước và quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng phải xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Với những hành lang pháp lý mới, cùng sự nhận thức ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp về giá trị thực tiễn của tăng trưởng xanh, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2025.

Chùm ảnh: Không gian xanh ấn tượng tại Hội thảo 'Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu' Chùm ảnh: Không gian xanh ấn tượng tại Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu"

VTV.vn - Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" đưa ra những góc nhìn chuyên sâu và cả những xu thế mới về chuyển dịch xanh trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước