Nâng "Chất" thị trường chứng khoán

VTV Digital-Thứ tư, ngày 10/08/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn-Sự ổn định trong điều hành vĩ mô của Việt Nam cùng đà tăng trưởng kinh tế vững chắc, sẽ là điểm sáng, là nhân tố gỡ bỏ nút thắt tâm lý cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Có thể nói sau đợt giảm điểm mạnh từ tháng 4, dòng tiền thể hiện sự thận trọng và thanh khoản cạn dần. Thế nhưng, ngay trong tuần đầu tháng 8, riêng sàn HOSE đã ghi nhận giá trị giao dịch bình quân tăng đột biến 40%, lên mức 16,6 nghìn tỷ đồng. Và cùng với đó, VN-Index cũng ghi nhận sự phục hồi gần 4% chỉ riêng trong tuần qua.

Tính đến cuối quý II/2022, dòng tiền các nhà đầu tư gửi tại top 10 công ty chứng khoán vẫn ở mức là 50.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy dòng tiền chưa hề rời bỏ thị trường mà nhà đầu tư vẫn luôn sẵn sàng tiền mặt để giải ngân và chỉ trực chờ 1 thời điểm thuận lợi khi tâm lý thị trường dần bình ổn trở lại.

Nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường cổ phiếu

Anh Nguyễn Xuân Thu là chủ cửa hàng đồ ăn Nhật Bản ở Hà Nội, người vốn chỉ tìm thấy nét hấp dẫn trong những miếng sashimi tươi, những món ăn ngon và đẹp mắt. Tuy nhiên, hai năm dịch bệnh, có lúc nhà hàng không thể hoạt động khiến anh đã phải tìm đến đầu tư chứng khoán như là một kênh kiếm thu nhập tạm thời. Tuy nhiên, nay kể cả khi dịch bệnh đã đi qua, trong mắt anh chứng khoán vẫn là 1 kênh đầu tư có thể sinh lời dài hạn.

Anh Xuân Thu cho biết: "Việc sinh lời là 1 phần, những kiến thức vĩ mô tài chính mình học được sau 1 thời gian đầu tư là những cái không thể đo đếm bằng tiền. Trên thị trường Việt Nam tôi rất tin tưởng các doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ làm ăn sinh lời, lãnh đạo tâm huyết".

Nâng Chất thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Niềm tin của nhà đầu tư không chỉ đến từ động thái mạnh tay chấn chỉnh sai phạm, bình ổn thị trường của Chính phủ mà còn từ các thay đổi chính sách vì lợi ích chung của cộng đồng đầu tư. Từ việc thay đổi cách tính giá đáo hạn phái sinh, công bố thông tin tự doanh chứng khoán và mới nhất là việc chuẩn bị rút ngắn chu kỳ thanh toán.

Theo quy định cũ, nhà đầu tư mua cổ phiếu vào thứ 2 (ngày T+0) thì tới 16h30 thứ 4 (ngày T+2) cổ phiếu mới về tài khoản và chờ sang thứ 5 (T+3) mới được bán cổ phiếu. Sau đó, nhà đầu tư phải chờ tiếp 2 ngày làm việc thì tiền bán cổ phiếu mới về tài khoản để giao dịch tiếp.

Trong khi với quy định mới, mua cổ phiếu vào thứ 2 thì 12h trưa thứ 4 (ngày T+2) cổ phiếu đã về tài khoản và có thể bán ngay trong chiều hôm đấy. Đồng thời dòng tiền về tài khoản cũng sẽ sớm hơn và vòng quay tiền cũng được đẩy nhanh hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp thanh khoản thị trường sôi động hơn rất nhiều khi quy định này đi vào hoạt động từ cuối tháng 8.

Kỳ vọng lớn cũng đang đặt vào câu chuyện nâng hạng và trong buổi làm việc mới đây với tổ chức FTSE Russell, đại diện UBCKNN cho biết tổ chức này đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Việt Nam, ví dụ như lúc này đã có nhiều doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh và để được nâng hạng trước 2025 chỉ còn 1 số vấn đề then chốt cần giải quyết.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết: "Họ có hai lưu ý: thứ nhất là việc đưa vào hệ thống CCP đối tác thanh toán bù trừ trung tâm và thứ hai là tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì cần đưa vào NVDR - Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết".

Thành công nâng hạng theo FTSE cũng sẽ mở ra cánh cửa để chứng khoán Việt Nam được nâng hạng theo tổ chức lớn hơn là MSCI. Nếu được trở thành thị trường mới nổi, ước tính 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới sẽ chảy vào Việt Nam.

Có 2 con số đặc biệt tạo sự tương phản. Đó là diễn biến khối ngoại, nếu trong cả tháng 7 họ tiếp tục miệt mài bán ròng 1087 tỷ đồng, thì chỉ riêng trong những ngày đầu tháng 8, tính tới hết hôm nay, họ đã mua ròng 1.500 tỷ đồng, tức là cao khoảng gấp rưỡi so với giá trị bán ròng của cả tháng trước.

Dĩ nhiên con số mua ròng của khối ngoại trong 10 ngày qua chưa làm thay đổi ngay lập tức bức tranh hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khi mà tài sản của các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị co hẹp đáng kể so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của các công ty quản lý quỹ kỳ cựu trên thị trường, khó khăn chỉ là vấn đề trước mắt, còn quan điểm đầu tư của họ là dài hạn, đặc biệt là khi đà giảm của VN-Index đã được co hẹp lại đáng kể, với sắc xanh bao phủ hầu hết các phiên giao dịch kể từ đầu tháng 8 này.

Tiền ngoại tăng tích cực vào thị trường chứng khoán

Nâng Chất thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

Nửa đầu năm, 15/15 quỹ đầu tư quy mô nhất trên thị trường chứng khoán hiệu suất đầu tư âm, từ 6,7 – 22,9%, tức là một số quỹ thậm chí hiệu suất đầu tư còn giảm sâu hơn cả VN-Index, ở mức 20,1% trong nửa đầu năm.

Công ty quản lý quỹ lớn nhất thị trường, tổng tài sản đã giảm 1 tỷ USD, từ mức 6.5 tỷ USD cuối năm ngoái xuống còn khoảng 5.5 tỷ USD.

Ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, cho biết: "Việc chúng ta quá quan tâm vào cái tăng giảm hàng ngày trên thị trường, thì đó không phải là cái cách làm việc của các CTQL Quỹ lớn. Chúng tôi đầu tư vào công ty chứ không phải là đầu tư vào cái giá lên giá xuống trên thị trường. Cho nên khi chúng tôi thấy danh mục các công ty đó tốt, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Nhưng hàng ngày, việc quản lý, theo dõi, trả lời cho các nhà đầu tư là một cái áp lực rất lớn. Nhưng chúng tôi tin rằng cái gì rồi cũng có lên rồi có xuống và khi xuống rồi thì cũng có giai đoạn phục hồi".

Theo Bloomberg, dòng tiền bị rút khá mạnh khỏi các thị trường chứng khoán chủ chốt trong khu vực, lên tới 40 tỷ USD chỉ tính riêng quý 2. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, dòng tiền ngoại vẫn đang vào ròng. Con số đã tăng lên gần gấp đôi, từ mức khoảng 65 tỷ USD vào 10 ngày trước, lên mức hơn 128 triệu USD tính đến hết ngày 9/8. Chỉ riêng tại VinaCapital, lượng tiền vào ròng đã xấp xỉ 60 triệu USD.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Khối đầu tư, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital nói: "Khi FED hoặc các nước phát triển nâng lãi suất thì tiền bị rút khỏi thị trường mới nổi. Tuy nhiên, xu hướng này đến nay không đáng ngại nữa và thứ 2 chắc chắn sẽ đến lúc điều này thay đổi vì người ta phải quay lại tìm những thị trường có mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn".

Theo tính toán , P/E dự phóng cho năm 2022 của thị trường hiện ở mức 9.4 lần, mức thấp nhất của thị trường trong vòng 5 năm qua. Trong khi đó, EPS vẫn rất tích cực ở mức 19.5%. Do đó, dù thị trường điều chỉnh giảm sau nhịp tăng khá dài, quy mô tài sản của các quỹ hàng đầu có tăng, có giảm. Nhưng điểm chung, là đều giữ quan điểm tích cực về thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang ghi nhận sự phục hồi, lạm phát hạ nhiệt và các động thái tăng lãi suất của FED không còn gây bất ngờ với giới quan sát, sự ổn định trong điều hành vĩ mô của Việt Nam, cùng đà tăng trưởng kinh tế vững chắc, sẽ là điểm sáng nổi bật, là nhân tố gỡ bỏ nút thắt tâm lý cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Sự kiên định trong thúc đẩy hoàn thiện, minh bạch và nâng hạng thị trường vốn cũng là điểm cộng trong con mắt các tổ chức quốc tế.

Sau cơn mưa trời lại sáng, cũng là khi những chấn chỉnh, cải thiện của thị trường cả về cơ chế vận hành, hay hạ tầng công nghệ, sẽ được tích luỹ và thẩm thấu dần để tạo nên những thay đổi mạnh mẽ và căn cơ về chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó sẽ còn tiếp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới của điểm số VN-Index nói riêng và của cả 1 kênh huy động vốn trung và dài hạn đắc lực cho nền kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước