Làn sóng trái phiếu xanh nước biển

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 20/04/2024 17:37 GMT+7

VTV.vn - Green Bond, Blue Bond đều là hình thức đầu tư cho các dự án thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế song song với sự bền vững của tài nguyên trong tự nhiên.

Làn sóng "blue bond" trên thị trường tài chính xanh

Green Bond, Blue Bond - một thị trường trái phiếu đầy màu sắc theo đúng nghĩa đen. Green Bond là trái phiếu xanh lá cây còn Blue Bond là trái phiếu xanh nước biển hay còn gọi là trái phiếu biển. Đây đều là hình thức đầu tư cho các dự án thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế song song với sự bền vững của tài nguyên trong tự nhiên. Blue Bond, so với Green Bond, ít được biết đến hơn. Nhưng với những quốc gia có nền kinh tế biển như nhiều quốc gia Đông Nam Á hay các quần đảo ngoài Thái Bình Dương, blue bond lại là một từ khoá đáng chú ý trong những năm gần đây.

Có thể lấy ví dụ như Seychelles, một quốc đảo nằm trên Ấn Độ Dương. Kinh tế của Seychelles phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên biển và du lịch. Nhận ra tiềm năng và lợi ích kinh tế từ những dự án bảo tồn đại dương, Seychelles đã tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh nước biển - thu được nhiều triệu USD từ những nhà đầu tư quốc tế.

Biển chính là xương sống của nền kinh tế Seychelles. 17% dân số quốc đảo này làm trong ngành đánh bắt thuỷ sản. Năm 2018, Seychelles đã phát hành trái phiếu xanh nước biển đầu tiên trên thế giới với sự hỗ trợ của ngân hàng thế giới World Bank và huy động được 15 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Jean Paul Adam - Giám đốc Biến đổi khí hậu và Tài nguyên thiên nhiên tại UNECA cho biết: "Trái phiếu xanh bước biển của Seychelles được đảm bảo một phần bằng khoản bảo lãnh trị giá 5 triệu USD từ Ngân hàng thế giới. Điều này giúp Seychelles có thể trả dần nợ cho trái chủ với mức lãi suất ưu đãi hơn, trung bình khoảng 3%. Trong khi đó, những quốc gia giống như Seychelles mà vay mượn từ thị trường quốc tế thì lãi suất thường không dưới 6%, thậm chí phải đến 7%".

Các cá nhân, đơn vị mua trái phiếu sẽ được đầu tư vào các dự án bảo tồn đại dương và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm mở rộng trữ lượng và cải thiện quản lý đánh bắt cá, tập trung vào bảo tồn tài nguyên thiên nhiên hơn là phát triển thương mại. Seychelles phụ thuộc gần như hoàn toàn vào du lịch và đánh bắt cá, vì vậy giá trị sinh thái do các dự án bảo tồn cung cấp sẽ trực tiếp nuôi sống nền kinh tế trong khu vực.

Trái phiếu xanh nước biển còn có thể là công cụ tái cấu trúc nợ cho các quốc gia. Một hình thức "đổi nợ- lấy thiên nhiên". Belize là một quốc gia Trung Mỹ với nguồn tài nguyên biển dồi dào. Belize cũng có gánh nặng nợ công khổng lồ. Cụ thể là Chính phủ phải trả 546 triệu USD cho các trái chủ nước ngoài, đáo hạn năm 2034. Tuy nhiên, vào tháng 11/2021, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (TNC), Credit Suisse và Chính phủ Belize đã thông báo hoàn thành việc chuyển đổi một khoản nợ trị giá 364 triệu USD của nước này sang trái phiếu xanh nước biển. Đổi lại, Belize cam kết tạo ra một quỹ tài chính bền vững ước tính cho việc bảo tồn đại dương và cam kết bảo vệ 30% đại dương của quốc gia này, bên cạnh một loạt các biện pháp bảo tồn khác. Giao dịch này là khoản tái cấp vốn nợ lớn nhất thế giới cho việc bảo tồn đại dương cho đến nay.

Làn sóng trái phiếu xanh nước biển - Ảnh 1.

Tại khu vực ASEAN, các hình thức tài chính xanh đã tăng gấp đôi trong những năm qua

Tiềm năng lớn của trái phiếu xanh 

Tại khu vực châu Á có các tổ chức lớn như ADB hay Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc cũng phát hành trái phiếu xanh. Còn tại Mỹ, công ty tài chính Mỹ JP Morgan là một trong những bên đầu tiên và "năng nổ" nhất trong việc phát hành trái phiếu xanh nước biển.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, hàng năm kinh tế biển mang lại 3.000 tỷ USD. Nếu đem so sánh tương đương GDP của các nền kinh tế thì nó có thể là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, đứng trên cả Pháp. Nó cũng là nguồn hỗ trợ sinh kế cho khoảng 3 tỷ người trên thế giới. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh nước biển (blue bond), vốn cung cấp tài chính cho các dự án bảo tồn biển, khai thác biển bền vững hiện nay mới thu hút được 5 tỷ USD. Tại Mỹ, riêng JP Morgan đang kỳ vọng có thể bán được 1 tỷ USD giá trị trái phiếu xanh nước biển trong 10 năm. Trái phiếu do Ngân hàng Bank of America phát hành cũng có thể thu về 125 triệu USD trong 15 năm tới. Các chuyên gia cho rằng thị trường này mới đang ở mức "phần nổi của tảng băng". Nghĩa là tiềm năng sẽ còn rất lớn. Họ đánh giá trái phiếu xanh nước biển hiện nay giống như trái phiếu xanh lá cây cách đây 10 năm, giờ đã đạt 2.000 tỷ USD.

Giống như bất kỳ khoản đầu tư có thu nhập cố định, trái phiếu xanh nước biển cũng có những rủi ro đầu tư nhất định. Đó có thể là rủi ro tín dụng và rủi ro lãi suất. Ví dụ lãi suất đi vay từ ngân hàng tăng, giá trái phiếu thường giảm và ngược lại. Hơn nữa, các dự án đầu tư cũng có những thách thức và cả rủi ro về mức độ thành công. Không phải dự án nào cũng có thể mang lại hiệu quả. Ví dụ như các dự án làm sạch đại dương, một nước phát hành trái phiếu là chưa đủ. Đặc biệt các khu vực mà nhiều quốc gia có chung đường biển lại rất cần có nỗ lực chung thì mới có thể dẫn tới thành công.

Tầm quan trọng của trái phiếu xanh ở khu vực châu Á

Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, nhưng châu Á đang được xem là khu vực có thể chịu tác động nặng nề nhất từ vấn đề này. Theo Ngân hàng phát triển châu Á ADB, thiên tai do biến đổi khí hậu có thể làm thiệt hại tới 11% GDP của toàn bộ khu vực từ nay cho tới cuối thế kỷ 21.

Bởi vậy mà trong những năm gần đây, các hình thức tài trợ cho kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, như trái phiếu xanh lá cây hay trái phiếu xanh nước biển đang ngày một trở nên phổ biến và được quan tâm hơn.

Như tại khu vực ASEAN, các hình thức tài chính xanh đã tăng gấp đôi trong những năm qua, chạm mốc hơn 8 tỷ USD trước đại dịch Covid-19. Một ví dụ tiêu biểu là chương trình tài trợ các dự án xanh của Cơ quan Tiền tệ Singapore với tổng trị giá gần 2 tỷ USD. Tại các nước khác, năm 2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC cũng đã huy động được số vốn lên tới 1 tỷ USD từ hình thức trái phiếu xanh nước biển.

Bà Yulanda Chung - Trưởng bộ phận tài chính bền vững, Ngân hàng DBS (Singapore) nêu ý kiến: "Ngay cả trong đại dịch, các hình thức tài chính xanh vẫn có sức hút rất lớn, bởi những khó khăn trong ngắn hạn không thể làm giảm đi các mối quan tâm về bền vững trong dài hạn với các nhà đầu tư và công chúng. Để có thể "bảo hiểm" cho tương lai, theo đuổi tài chính bền vững là một điều kiện hàng đầu với nhiều doanh nghiệp".

Nhận thức được điều này, không chỉ có các tổ chức quốc tế hay cơ quan Chính phủ, nhiều định chế tài chính tư nhân như các ngân hàng cũng đang tăng tốc trong cuộc đua tài chính xanh. Một ví dụ tiêu biểu là tại Singapore, các ngân hàng hàng đầu như DBS hay OCBC đều đã đưa ra cam kết về giá trị danh mục tài chính xanh cho tới hết năm 2025, cũng như vươn lên nhóm dẫn dầu về khoản mục cho vay bền vững ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Ông Willie Tanoto - Trưởng bộ phận các định chế tài chính, Chi nhánh Fitch Ratings Singapore cho biết: "Trước đây nhiều ngân hàng thường chỉ đưa ra một số điều kiện về môi trường, bền vững cho các khoản vay hiện có và gọi đó là tài chính xanh. Nhưng bây giờ họ đã thật sự tung ra các khoản tài trợ mới cho kinh tế bền vững, ở nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo hay quản lý nước".

Dù có nhiều nỗ lực, các hạng mục tài chính xanh hiện mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong đầu tư của nhiều tổ chức tài chính châu Á. Dù vậy theo các chuyên gia, đây không phải là yếu tố đáng lo ngại, bởi tài chính xanh vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ và các doanh nghiệp cần có thời gian chuyển đổi, xanh hóa danh mục đầu tư của mình trong những năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước