IMF: Kinh tế toàn cầu có thể "hạ cánh mềm"

VTV Digital-Thứ tư, ngày 11/10/2023 16:06 GMT+7

VTV.vn - Những bước tiến trong việc kiềm chế lạm phát cũng giúp IMF tăng thêm kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ "hạ cánh mềm" trong năm nay

Trong bản cập nhật tháng 10 của Báo cáo Triển vọng kinh tế Toàn cầu mới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, bên cạnh vấn đề tăng trưởng chững lại, một nội dung khác cũng được nhấn mạnh trong báo cáo này đó là tình trạng lạm phát dai dẳng, dù đã bắt đầu được kiềm chế, nhưng vẫn tiếp tục tác động lên kinh tế toàn cầu trong cả năm sau.

Trong báo cáo, các chuyên gia của IMF thừa nhận, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương vẫn đang phát huy hiệu quả. Lạm phát tổng thể dự kiến sẽ chạm mức 6,8% trong năm nay và tiếp tục đi xuống 5,7% trong năm tới. Tuy nhiên, thế giới sẽ còn cần thêm nhiều thời gian để đưa lạm phát về mức mục tiêu ổn định.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas - Chuyên gia kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: "Những tín hiệu hiện nay là đáng khích lệ nhưng chúng ta vẫn chưa đi đến đích. Lạm phát lõi loại trừ giá cả thực phẩm và năng lượng cũng đang đi xuống nhưng ở một tốc độ chậm hơn. Nhìn chung đa số các quốc gia sẽ không thể quay lại mức lạm phát mục tiêu cho tới năm 2025".

Dù vậy, những bước tiến trong việc kiềm chế lạm phát cũng giúp IMF tăng thêm kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ "hạ cánh mềm" trong năm nay.

IMF: Kinh tế toàn cầu có thể hạ cánh mềm - Ảnh 1.

IMF dự báo lạm phát dai dẳng toàn cầu trong năm 2024. (Ảnh minh họa - Ảnh: The New York Times)

Một thách thức trong giai đoạn tới đó là nhiều ngân hàng Trung ương đang muốn dần chuyển hướng chính sách tiền tệ khỏi giai đoạn thắt chặt để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, kiểm soát giá cả vẫn nên là một ưu tiên chính.

"Đầu tiên và quan trọng nhất, các ngân hàng Trung ương vẫn cần tập trung vào ổn định giá cả. Bởi các quốc gia đối mặt với triển vọng lạm phát khác nhau, chính sách tiền tệ cũng cần được điều chỉnh để thích ứng với tốc độ phục hồi và mục tiêu lạm phát của từng nước", ông Pierre-Olivier Gourinchas - Chuyên gia kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói.

Một thách thức khác cũng được IMF đề cập đó là những diễn biến mới từ cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine. Giống như trong các khủng hoảng trước đó, giá năng lượng đã bật tăng sau khi xung đột bùng phát hồi cuối tuần trước, cho thấy mối lo ngại về nguy cơ gián đoạn sản xuất hoặc vận chuyển tại khu vực Trung Đông - giếng dầu hàng đầu của thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước