Giá tăng cao, gạo Việt khẳng định chỗ đứng trên thế giới

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 04/11/2023 13:23 GMT+7

VTV.vn - Một trong những thông tin đáng quan tâm nhất trong tuần qua là giá gạo. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang cao nhất trong các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo 25% tấm giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn. Như vậy, hiện giá gạo xuất khẩu đã vượt đỉnh của cơn sốt giá gạo hồi tháng 8 là 643 USD - mức cao nhất 15 năm qua.

Có thể thấy, sau một thời gian ổn định, đi ngang, từ đầu tháng 10 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục đi lên, do nhu cầu thị trường thế giới tăng cao trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ - một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, vẫn chưa được dỡ bỏ.

Dự kiến xuất khẩu 8 triệu tấn gạo

Giá gạo tăng cũng đến từ việc vụ Thu Đông của Việt Nam sản lượng thường thấp hơn nhiều so với các vụ khác. Hiện vụ thu hoạch Thu Đông đã cuối vụ, lượng lúa trong dân giảm dần.

Với nhiều yếu tố thuận lợi, chỉ trong 10 tháng, xuất khẩu gạo đã tương đương cả năm 2022 và giá trị tăng gần 35%. Theo tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở kịch bản cao nhất Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 - 8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2 - 4,5 tỷ USD trong nay, chưa kể còn đang xác lập một vùng giá mới. Điều này khiến người nông dân, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vui mừng.

Nông dân được lãi tiền tỷ, nhờ giá lúa tăng

Với 18 ha trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải, theo ông Bảy Minh trừ hết chi phí giống, phân bón, nhân công, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng, tăng tới 40% so với năm 2022.

Giá tăng cao, gạo Việt khẳng định chỗ đứng trên thế giới - Ảnh 1.

Hiện vụ thu hoạch Thu Đông đã cuối vụ, lượng lúa trong dân giảm dần. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

"Năm nay, với giá lúa hiện nay nông dân phấn khởi, nhưng thực ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trồng lúa thu đông không nhiều, chỉ có một số huyện. Nông dân phấn khởi vì giá lúa cao tăng thu nhập cho người dân", ông Trịnh Công Minh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, chia sẻ.

Tính đến nay, Công ty CP Lương thực A An đã đạt 90% kế hoạch của năm, đạt khoảng 400.000 tấn, đến thời điểm này họ vẫn tiếp tục nhận thêm được những đơn hàng từ thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi. Điểm sáng nhất là họ đã tiếp cận và xuất bán cho một số đối tác lớn tại các thị trường khó tính, kiên trì định hướng xuất khẩu sản phẩm vào phân khúc gạo giá trị cao.

"Hiện chúng tôi đang làm việc với đối tác của Australia, cung cấp hàng gạo Nhật vào thị trường Australia. Họ yêu cầu với loại gạo này, chúng ta kiểm soát dư lượng khắt khe, khắt khe hơn vào châu Âu. Chúng tôi đã kết nối được và đưa hàng sang Australia", ông Trương Mạnh Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực A An, cho biết.

Cũng theo các doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu vẫn sẽ neo ở mức cao, do nhu cầu gạo thế giới vẫn tăng cao. Lý giải nguyên nhân gạo Việt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới, các doanh nghiệp cũng khẳng định lợi thế có 1 không 2 của gạo Việt Nam.

"Việt Nam có đặc thù riêng mà một số quốc gia, kể cả Thái Lan không thể làm được. Đó là gạo Việt Nam luôn luôn tươi mới, bởi vì mùa vụ của chúng ta liên tục và đặc điểm về chế biến, tạm trữ của chúng ta thì rất mới mà các quốc gia khác không thể làm được", ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho hay.

Theo Tổng cục Hải quan, tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 10 tháng năm qua, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm kể từ ít nhất năm 2009.

Gạo Việt Nam khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới

Giá cao là tốt, nhưng có ý kiến cho rằng, nếu giá gạo Việt Nam quá cao thì liệu khách hàng có chuyển sang dùng gạo Thái Lan không? Việc này do thị trường quyết định. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, giá gạo Việt Nam cao nhưng chất lượng tốt. Giá gạo Việt Nam cao do chính doanh nghiệp đi đàm phán, đó là mặt bằng chung. Giá cao, nhưng khách hàng vẫn tìm mua cho thấy gạo Việt Nam khẳng định được chất lượng và thương hiệu.

Dự báo xu thế giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp khẳng định gạo Việt Nam đã xác lập được vùng giá mới và ngắn hạn vẫn duy trì mức cao.

Chính các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, nhờ sản lượng xuất khẩu đều đặn mỗi năm khoảng 7 triệu tấn, chính sách xuất khẩu cũng ổn định, chất lượng cải thiện qua từng năm, nên vị thế của những nhà sản xuất gạo Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực trên thị trường gạo thế giới.

Giá tăng cao, gạo Việt khẳng định chỗ đứng trên thế giới - Ảnh 2.

Hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Gạo của chúng ta đã có giá trị trên thị trường, giá gạo cao hơn các quốc gia. Đã đến lúc chuyển quyền thương lượng, quyền thương lượng nằm ở người sản xuất, người bán là chúng ta. Đây là bước rất lớn, một thay đổi cực kỳ quan trọng để cho phép nếu chúng ta thay đổi một chút trong tổ chức lại sản xuất, chúng ta sản xuất theo chuỗi giá trị chủ động theo kế hoạch thì hoàn toàn chấm dứt được cảnh được mùa, mất giá", ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, cho hay.

Với sản lượng lúa ổn định khoảng 43 triệu tấn mỗi năm, chúng không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, mà còn đóng góp chung an ninh lương thực thế giới.

"Các nước mà đang đầu tư lớn vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều là những nước luôn luôn trông đợi sự ổn định của họ về mặt an ninh lương thực, một phần quan trọng ở các nước xuất khẩu như Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể thấy, trong một khía cạnh nào đó, việc Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới chính là đảm bảo cho vị thế của mình, chính là củng cố cho vai trò của đất nước mình trên trường quốc tế", ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn, nhận định.

Tới đây, nếu Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 được Chính phủ thông qua, thì quá trình xanh hóa hạt gạo của Việt Nam cũng chính thức được bắt đầu. Theo các chuyên gia, một ngày không xa, Việt Nam còn có thể bán ra thế giới những hạt gạo được dán nhãn sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.

Cùng với sự khẳng định về chất lượng, thương hiệu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi các thị trường tiêu thụ gạo lớn của nước ta liên tục tăng nhu cầu mua vào trong những tháng cuối năm. Cụ thể, Philippines đang có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm.

Gạo Việt Nam tiếp tục thiết lập kỷ lục mới Gạo Việt Nam tiếp tục thiết lập kỷ lục mới

VTV.vn - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo qua 9 tháng đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước