Đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất trong thời gian cao điểm

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 19/04/2024 11:30 GMT+7

VTV.vn - Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, quý I năm nay với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu về điện và phụ tải điện đã có sự tăng trưởng khoảng 10%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về việc triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Công điện nêu, năm 2024 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%).

Để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo đảm không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.

Thời gian cao điểm mùa khô được xác định từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Trên thực tế, nhiều địa phương, doanh nghiệp cũng đã dựa trên kinh nghiệm của các năm trước, chủ động phương án đảm bảo điện cho sản xuất kinh doanh.

Hàn Quốc hiện nay có khoảng 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp công nghệ cao, không thể thiếu điện. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động phương án cấp điện trong mùa nắng nóng.

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết: "Một số doanh nghiệp bắt buộc phải chạy 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, thì mỗi lần mất điện, họ chạy máy phát điện trong nhà máy. Một số công ty đang xem xét lại để đầu tư năng lượng mặt trời mái nhà trên nóc nhà máy. Dù đầu tiên tốn tiền nhưng họ cũng phải đầu tư để đảm bảo điện’.

Như hệ thống điện mặt trời đã được Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam lắp đặt từ 1 năm trở lại đây. Với công suất 700 MWh/năm đã đáp ứng được từ 8 -10% nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất hàng tháng của đơn vị. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời khi xuất khẩu sản phẩm cũng có thêm nhiều lợi thế.

"Với ngưỡng 700 MWh/năm, công ty chúng tôi có thể tiết kiệm xả thải CO2 rơi vào khoảng 280 tấn/năm. Nhiệt độ ở trong xưởng giảm 3 độ C, cá biệt có nơi giảm 5 độ C. Như vậy, hệ thống điều hòa của chúng tôi hoạt động có thời gian nghỉ rất hiệu quả", ông Nguyễn Long - Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, tỉnh Hòa Bình chia sẻ.

Cao điểm nắng nóng năm 2023, nhiều địa phương đã thực hiện cắt điện luân phiên để đảm bảo điện cho hoạt động sản xuất của các nhà máy. Năm nay, giải pháp này có thể cũng được tính đến.

Ông Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Đảm bảo cấp điện 100% ban ngày cho doanh nghiệp sản xuất còn ban đêm ưu tiên điện cho sinh hoạt. Như vậy vừa đảm bảo cho người lao động hồi phục sức khoẻ, nhưng lại giúp cho doanh nghiệp sử dụng thời gian có hiệu suất làm việc cao nhất, và họ có sự chủ động trong công việc từ sớm, từ xa, không có câu chuyện cắt đột ngột".

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, quý I năm nay với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu về điện và phụ tải điện đã có sự tăng trưởng khoảng 10%. Đến quý II, con số này sẽ là trên 13%. Bộ Công Thương đã yêu cầu các cơ quan liên quan đảm bảo việc cung cấp năng lượng sơ cấp cho phát điện, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp điện lực và tập đoàn dầu khí, than khoáng sản đảm bảo cung ứng đủ năng lượng cho sản xuất điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước