Các ngân hàng trung ương châu Á "chống đỡ" trước đồng USD mạnh

Thanh Hiệp-Thứ ba, ngày 17/10/2023 21:32 GMT+7

VTV.vn - Đồng USD mạnh hơn đang ảnh hưởng đến tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, buộc các ngân hàng trung ương phải áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.

Theo Bloomberg, các đồng tiền châu Á hiện đang đối mặt với nhiều rủi ro, bởi lãi suất cơ bản của các nền kinh tế trong khu vực, nhìn chung đang có khoảng cách khá lớn so với Mỹ. Để ứng phó với thách thức này, các nhà hoạch định chính sách đã triển khai một số công cụ hỗ trợ đồng nội tệ, trong đó bao gồm việc can thiệp thông qua thị trường trái phiếu.

Hồi đầu tháng này, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) thông báo sẽ bán thêm trái phiếu để thu hút tiền mặt, giúp đẩy giá đồng Rupee. Trước đó trong tháng 9, Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng phát hành một loại trái phiếu mới bằng đồng nội tệ, nhằm thu hút dòng vốn chảy vào.

"Việc Indonesia và Ấn Độ phát hành thêm trái phiếu có mức lợi suất cao hơn để thu hút dòng vốn đổ vào là một cách để bảo vệ đồng nội tệ mà không phải dùng tới dự trữ ngoại hối. Đây là một cách làm khá hiệu quả", ông Eddi Cheung, chiến lược gia, Ngân hàng đầu tư Credit Agricole CIB, cho biết.

Còn tại Trung Quốc, nhiều biện pháp bảo vệ tỷ giá cũng đã được triển khai, từ phát hành trái phiếu quốc tế bằng đồng Nhân dân tệ ở mức kỷ lục, cho tới tăng lãi suất các khoản vay qua đêm bằng Nhân dân tệ giữa các ngân hàng ở Hong Kong (Trung Quốc).

Các ngân hàng trung ương châu Á chống đỡ trước đồng USD mạnh - Ảnh 1.

Áp lực từ đồng USD mạnh hơn đang ảnh hưởng lớn đến tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi tại châu Á. (Ảnh: Bloomberg)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hiện đang tìm cách cân bằng giữa việc duy trì đủ thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế và bình ổn đồng Nhân dân tệ trước những dự đoán về khả năng Mỹ sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

"Chúng tôi sẽ sử dụng kết hợp nhiều công cụ chính sách khác nhau để duy trì thanh khoản ở mức hợp lý và dồi dào, đồng thời cũng sẽ điều tiết nguồn cung và nhu cầu trên thị trường ngoại hối để bảo vệ vững chắc thị trường trước nguy cơ tỷ giá hối đoái biến động", ông Zou Lan, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho hay.

Những biện pháp trên không chỉ giúp hạn chế biến động tỷ giá, mà còn giảm bớt lượng dự trữ ngoại hối mà các ngân hàng trung ương phải bán ra để hỗ trợ đồng nội tệ.

Bloomberg cho biết, hầu hết các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi ở châu Á đều có số tháng nhập khẩu mà dự trữ ngoại hối có thể chi trả, cao hơn nhiều so với mức an toàn tối thiểu là 3 tháng.

Đồng USD chạm ngưỡng 150 yen lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022 tại thị trường New York Đồng USD chạm ngưỡng 150 yen lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022 tại thị trường New York

VTV.vn - Hiện Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát trong, trong khi Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) duy trì chính sách tiền tệ cực lỏng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước