Bất bình đẳng chính sách thuế giữa doanh nghiệp OTT nội và ngoại

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 03/06/2019 07:36 GMT+7

VTV.vn - Với các chính sách thuế hiện tại, Việt Nam hầu như không thu được thuế của các doanh nghiệp OTT nước ngoài.

Không hẹn mà gặp, hai ông lớn công nghệ - giải trí hàng đầu thế giới là Apple và Disney đều vừa thông báo ra mắt dịch vụ truyền hình trực tuyến, hứa hẹn sẽ cùng với những cái tên như Netflix, Amazon... dẫn dắt ngành over-the-top television (OTT truyền hình) trên toàn thế giới. Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp OTT truyền hình tại Việt Nam cho rằng đang phải đối mặt với nguy cơ mất khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp đa quốc gia, khi các doanh nghiệp trong nước luôn phải đóng thuế đầy đủ, còn với các chính sách thuế hiện tại Việt Nam hầu như không thu được thuế của các doanh nghiệp OTT nước ngoài.

Một bộ phim nước ngoài có bản quyền được người dùng mua trên nền tảng truyền hình trực tuyến của doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chịu 3 loại thuế: Thuế bản quyền 10%, thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20%. Do vậy, chi phí cho thuế để duy trì nền tảng là áp lực rất lớn. Tuy nhiên điều không hợp lý là áp lực này lại đang chỉ dành cho doanh nghiệp OTT nội.

Bà Ngô Thị Bích Hiền - Giám đốc Công ty BHD cho hay: "Doanh nghiệp nước ngoài thu tiền về cũng phải có trách nhiệm chứ không phải như hiện nay lợi nhuận ở thị trường Việt Nam họ thu về hết nhưng không chịu chi phí nào. Đây là một khó khăn với doanh nghiệp Việt chúng tôi".

Trong khi đó, những doanh nghiệp OTT hàng đầu thế giới như Netflix đã vào thị trường Việt Nam gần 3 năm nay, thu phí người dùng theo tháng với các mức thấp nhất 180.000 đồng, cao nhất 260.000 đồng/tháng. Ước tính doanh thu của doanh nghiệp này là không hề nhỏ, đặc biệt là khi dòng thu này đang không phải chịu thuế.

Ông Vũ Anh Tũ - Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom cho hay: "Họ thu tiền thậm chí cũng ở nước ngoài, không có sự hiện diện tại Việt Nam nhưng thông qua các kênh marketing họ vẫn thu hút được người dùng tại Việt Nam và sử dụng dịch vụ một cách dễ dàng".

Theo Muvi, dung lượng thị trường truyền hình trực tuyến tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sẽ đạt đến 650 triệu USD/năm sau 2 năm nữa. Giới chuyên gia cho rằng, nếu không sớm có những hành lang pháp lý rõ ràng để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng cho lĩnh vực OTT truyền hình, viễn cảnh doanh nghiệp ngoại đã vào thị trường như Netflix, hay sắp tới có thể là cả Apple hay Disney sử dụng lợi thế hiện có tranh thủ chiếm thị phần của doanh nghiệp Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bổ sung dịch vụ OTT vào dự thảo phát thanh truyền hình Bổ sung dịch vụ OTT vào dự thảo phát thanh truyền hình

VTV.vn - Các nhà cung cấp dịch vụ OTT có thu phí của người dùng phải được cấp phép của Bộ Thông tin và Truyền thông, phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước