Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước”

Giang Châu-Thứ sáu, ngày 26/04/2024 18:34 GMT+7

VTV.vn - 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường. Chuyển đổi du lịch xanh là cách để con người trả nợ thiên nhiên.

Sáng 26/4, tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề "Phát triển du lịch xanh bền vững". Đây là dịp để đánh giá thực trạng, tiềm năng; trao đổi, thảo luận ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp và kinh nghiệm của các địa phương về vấn đề phát triển du lịch xanh và bền vững; từ đó tìm kiếm giải pháp, cơ chế, định hướng để phát triển du lịch Khánh Hòa theo Chiến lược phát triển chung của Du lịch Việt Nam.

Khánh Hòa là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, với những danh lam thắng cảnh, bãi tắm đẹp trải dọc theo bờ biển dài 385km, được phân bố đều ba vịnh: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, các vịnh đều được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược quan trọng cả về quốc phòng và kinh tế. Khánh Hòa nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, có các cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế Cam Ranh có lưu lượng khách quốc tế đứng thứ 3 cả nước, là cửa ngõ giao thông đường hàng không quan trọng cho cả khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, xác định Khánh Hòa là một trong 07 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển trong cả nước.

Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - Ảnh 2.

Sự kiện có sự tham gia của các đại biểu từ nhiều địa phương, các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia về môi trường, các hiệp hội có liên quan....

Đến nay, du lịch biển vẫn là dòng du lịch chính trên thế giới và ở nước ta. Khái niệm du lịch "3S" của ASEAN ra đời cũng nói lên điều đó, vì vùng biển (Sea) chan chứa ánh nắng mặt trời (Sun) và dồi dào cát trắng (Sand), và gần đây thế giới chú trọng dịch vụ (Service) tốt để tạo nên cách tiếp cận "4S" trong phát triển du lịch biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và lợi ích to lớn từ biển đem lại, con người đang khai thác tài nguyên biển thiếu hiệu quả, lơ là trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Theo các nhà khoa học, biển và đại dương đang mắc phải 6 "bệnh" chính: nước biển bị ấm dần lên, nước biển bị axit hoá, nước biển thiếu ôxy, nước biển dâng, biển bị ô nhiễm và suy thoái, nguồn lợi biển bị suy giảm.

Kết quả giám sát môi trường hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra rằng, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa là túi nilon, cốc nhựa, chai nhựa, hộp nhựa, hộp xốp...chiếm khoảng 60%. Cho nên, phát triển du lịch phải song hành với bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa thải ra biển như bài học kinh nghiệm của thế giới đã chỉ ra.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: Để phát triển du lịch biển Khánh Hoà theo hướng xanh và bền vững, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo 6 yêu cầu cơ bản sau: Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển du lịch; Bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm các hệ sinh thái và cảnh quan biển, ven biển và đảo; Bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; Phát triển hiệu quả du lịch biển dựa trên nền tảng của chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển, về du lịch và môi trường; Truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch biển xanh và bền vững cho du khách, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nghiên cứu của TripAdvisor cho thấy 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Ðiều này khẳng định, du lịch xanh không những là sự bảo đảm cho phát triển bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi đi du lịch.

Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Khánh Hoà đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, tăng cường thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan và triều cường tác động ngày một lớn tới hoạt động du lịch đòi hỏi ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm. Vai trò của "Du lịch xanh" ở đây chính là những hoạt động nhằm hạn chế tác động của chất thải bao gồm: quản lý và xử lý chất thải theo quy định; áp dụng mô hình "3R" (Reduce - Reuse – Recycle: Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế)

Bà Lê Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng: "Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên. Vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân cần phải chuyển từ nhận thức sang hành động, ứng xử đúng mực tài nguyên văn hóa, di sản."

Việt Nam cần nhìn sang các nước trên thế giới như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản…. để học hỏi những cách làm, mô hình tiên tiến của họ. Như Maldives, được mệnh danh là "thiên đường nghỉ dưỡng" của châu Á và Thế giới, đã có chính sách đầu tư, phát triển du lịch bài bản, khoa học hướng đến phát triển bền vững, trong đó, đặc biệt là chính sách phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh gắn với gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và bảo tồn sinh vật biển: Các cơ sở lưu trú đều phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; Các resort trên đảo diện tích xây dựng không quá 30%; Thực hiện các khu vực phân khu chức năng bảo tồn sinh thái; Tất cả bungalow có mặt tiền hướng biển với chiều dài 5m; Không một công trình nào được cao hơn ngọn cây dừa; Phải để không gian mở trên đảo bằng diện tích công trình trên mặt nước; Phải trang bị cơ sở vật chất cho nhân viên đầy đủ, số lượng nhân viên làm việc tại resort là công dân Maldives bắt buộc phải lớn hơn 45% tổng số nhân viên.

Để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, quốc đảo này đã nỗ lực thay thế nguồn cung cấp năng lượng điện hóa thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời với mục tiêu giảm lượng khí thải cacbon và chi phí phát điện. Hiện nay, hầu hết khu nghỉ dưỡng trên các đảo của Maldives đều sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước ngọt trong ngành du lịch.

Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - Ảnh 4.

PGS.TS Phan Thị Thục Anh chia sẻ rằng, Việt Nam có thể áp dụng chính sách thu phí du lịch của du khách như các nước phát triển trên thế giới đang làm.

Tại Việt Nam, Quảng Nam được coi là địa phương tiêu biểu và tiên phong trong phát triển du lịch xanh với nỗ lực trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước, thông qua các hoạt động về bảo môi trường sinh thái, ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế và hạn chế phát thải. Ngay từ năm 2020, Hội An đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, du khách hạn chế và giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần, phấn đấu đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - Ảnh 5.
Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - Ảnh 6.

Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay tiên phong trong việc phát triển du lịch và cam kết bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên với các hành động mang đến kết quả cụ thể.

Cho đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chưa có những hướng dẫn cụ thể mang tính pháp lý đối với việc công nhận "Doanh nghiệp du lịch xanh". Ngoại trừ bộ tiêu chí "Nhãn Bông Sen xanh" dành cho các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, cho đến nay việc ban hành các tiêu chí/ tiêu chuẩn và hướng dẫn liên quan đến việc công nhận "Doanh nghiệp du lịch xanh" vẫn chưa có. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh hướng đến sự phát triển bền vững trong kinh doanh du lịch.

Hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về tài chính, nguồn lực về nhân lực cho chuyển đổi xanh là vấn đề lớn đối với phát triển doanh nghiệp du lịch xanh. Yếu tố này càng trở nên là "lực cản" lớn trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước về chính sách và kinh nghiệm. Việc nhận diện đầy đủ những vấn đề đặt ra trên đây đối với nỗ lực phát triển "Doanh nghiệp du lịch xanh" sẽ là những căn cứ thực tiễn để đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với thực tế cho vấn đề này ở Việt Nam.

Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - Ảnh 7.

Việc phối hợp liên ngành là điều cần thiết để công cuộc bảo vệ môi trường được thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Phát triển du lịch xanh và bền vững: “Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước” - Ảnh 8.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước