VTV.vn - Cảm thương trước các em nhỏ tự kỷ không có trường lớp, chị Nguyễn Thị Hòa đã ở lại đây để mở trung tâm giáo dục đặc biệt đầu tiên của Sơn La.

Lần đầu lên Sơn La, cảm thương trước các em nhỏ tự kỷ không có thầy cô dạy dỗ, không có trường lớp để theo học, chị Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1987, quê Nghệ An) đã ở lại đây để mở trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ đầu tiên của thành phố. Tình yêu thương bền bỉ của chị đã khiến những đứa trẻ bắt đầu biết nói, biết sẻ chia.


Tôi gặp chị Hòa trong những ngày đầu năm khi xuân vẫn còn vương trên vùng cao Tây Bắc. Hoa ban nở rộ trên nhiều tuyến đường của thành phố Sơn La. Nói về cơ duyên để lên phố núi tác nghiệp, viết phóng sự về chị Hòa, tôi phải cảm ơn chị Nguyễn Thị Việt Hà – nhân vật mà tôi từng làm phóng sự Việc tử tế phát trên VTV1. Chị Hà là cô giáo có hành trình 12 năm dạy trẻ tự kỷ ở Vĩnh Phúc mà tôi rất nể phục. Vậy mà sau khi phóng sự phát sóng, chị Hà gọi điện cho tôi, bảo là chị thấy việc mình làm còn nhỏ bé, chị có người bạn còn dũng cảm và hi sinh hơn nhiều. Đó là chị Nguyễn Thị Hòa – một giáo viên người Nghệ An đã lên Sơn La sinh sống và làm việc, vẽ lên bầu trời hi vọng cho con em miền núi gặp chứng tự kỷ, khuyết tật. Chị Hà kể với tôi nhiều lần, nhiều điều về chị Hòa. Và tôi hẹn chị ra Tết chị em ta lên Sơn La. Tôi cũng không ngờ rằng mình đã yêu mến và đồng điệu với chị Hòa ngay từ lần đầu gặp chị.

Cơ duyên đến với trẻ nhỏ ở vùng núi Tây Bắc

Chị Hòa khiến cho bất cứ ai gặp gỡ cũng cảm thấy gần gũi bởi vẻ xinh đẹp và nụ cười tỏa nắng. Chia sẻ về cơ duyên với nghề giáo dục đặc biệt, chị kể: “Ngày xưa học ngành Công tác xã hội ở Đại học Sư phạm Vinh, mình may mắn được làm các chương trình hỗ trợ nhóm trẻ yếu thế, ví dụ như các em bé bị sang chấn tâm lý do biến cố trong cuộc sống hoặc các em bé bị bạo hành. Đến khi ra trường, lập gia đình và sinh em bé, mình thấy trong lớp con có những em bé không hòa nhập được với mọi người thì thấy rất thương. Về Nghệ An, mình có cơ duyên được vào làm trong một trung tâm dạy trẻ chuyên biệt.”

Sau 3 tháng kết hôn, chồng chị Hòa chuyển lên Sơn La làm việc. Năm 2016, chị cũng theo chồng lên đó. Ban đầu, anh muốn chị làm giảng viên ở trường học cho đỡ vất vả. Nhưng tình yêu với giáo dục đặc biệt, chị chưa dứt được nghề. Ở Sơn La, chị gặp các em bé tự kỷ nhưng khi ấy không có bất cứ ngôi trường nào dành cho các em. Trăn trở cho những khó khăn của cha mẹ vùng cao khi vừa phải lo kinh tế, vừa phải loay hoay với căn bệnh của con nên chị đã chọn ở lại dạy dỗ những đứa trẻ này.

Có lần đến trường mầm non để nộp hồ sơ xin việc, mình bắt gặp một bé học sinh tự kỷ rất điển hình. Bạn ấy thích ngắm quạt xoay vòng, nhưng các cô không biết con đang muốn gì và cứ kéo bạn ấy về lớp. Đến khi mình đưa cho một cái chong chóng thì con vui sướng, hạnh phúc, mỉm cười và đi về các lớp cùng các cô rất vui vẻ. Chính khoảnh khắc ấy, mình cảm nhận được niềm hạnh phúc vô giá khi đến với ngành này.”


Nữ giáo viên dệt bầu trời hi vọng cho các em nhỏ tự kỷ,  khuyết tật ở vùng núi Sơn La - Ảnh 3.









Ban đầu, chị Hòa nhận nhận trẻ về nhà dạy và theo trò đến các trường mầm non để hỗ trợ hòa nhập cho các con. Đến cuối năm 2017, nhiều bạn nhỏ đã tiến bộ, phụ huynh truyền tai nhau nên số lượng học sinh càng đông. Chị quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm – cái tên mang ý nghĩa: Nghề nào cũng sẽ có những khó khăn, nghề giáo dục đặc biệt thì càng phải lấy cái tâm làm đầu, tâm của mình phải sáng thì mới giúp đỡ được các em. Chị lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc đời, để mình vững chãi đi với ngành.

Bất chấp khó khăn để giúp những đứa trẻ nói tiếng “Mẹ ơi…”

Dù TP. Sơn La cách Hà Nội hơn 300km, mất khoảng 6 tiếng để di chuyển, nhưng chị Hòa chưa bỏ lỡ bất kỳ khóa học chuyên môn nào ở Thủ đô. Chị muốn cập nhật các kiến thức mới để nâng cao chuyên môn và về dạy lại cho giáo viên, phụ huynh của mình. Nhớ giai đoạn mới chuyển lên núi, rất nhiều lần chị muốn về quê vì thấy đường đi sao mà xa quá, đời sống thì nghèo nàn, khi ấy hai vợ chồng chị cũng rất khó khăn để lập nghiệp. Thậm chí trong một chuyến xe đêm từ Hà Nội về Sơn La, lúc xe đi qua rãnh, kêu xộc xộc, chị mệt và mơ màng, tưởng xe đã rơi xuống vực. Chị mở điện thoại ra lúc đó là 1h sáng, vội lấy gọi cho chồng để nói lời cuối cùng. Nói đến đây, chị Hòa và chúng tôi bật cười. Một người phụ nữ xinh đẹp từ xuôi mới lên miền núi đã phải rất nỗ lực để quen với những khúc cua quanh co của đường đèo Tây Bắc. Chị hay nói đùa rằng “chặng đường cõng chữ về bản của mình gian nan lắm”.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Tâm là trung tâm duy nhất được UBND tỉnh cấp phép hoạt động vì đủ năng lực, hiện có 60 học sinh, 20 giáo viên. Các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở TP. Sơn La và các huyện Thuận Châu, Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Mường La… mắc các chứng tự kỷ, chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, tăng động, down, bại não, khiếm thính. Mỗi năm, chị Hòa đào tạo khoảng 100 lượt học sinh, đến nay gần 1000 em đã tiến bộ và hòa nhập được với cộng đồng.

Nữ giáo viên dệt bầu trời hi vọng cho các em nhỏ tự kỷ,  khuyết tật ở vùng núi Sơn La - Ảnh 4.

Thông điệp từ cô giáo Thủy sau những năm gắn bó với các bạn nhỏ tự kỷ, khuyết tật.

Từng quan sát nhiều lớp dạy trẻ tự kỷ, tôi thấy rằng công việc này vô cùng vất vả và phải kiên nhẫn. Mỗi giáo viên thường kèm riêng 1 – 2 bạn/ buổi nên cần nhiều thời gian hơn. Thế nhưng với một đơn vị tự chủ kinh tế ở tỉnh miền núi, khó khăn tăng lên gấp bội. Chị Hòa chia sẻ, đồ dùng học tập cho trẻ tự kỷ rất đặc thù, mỗi em nhỏ là một giáo án riêng và đồ dùng cũng rất riêng. Nhiều khi chị phải đặt những bộ công cụ tận bên Mỹ về để đánh giá cho trẻ. Chi phí học tập tốn kém, các gia đình vùng cao lại khó khăn về kinh tế, nhiều em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thương trò, chị Hòa lại bỏ tiền túi để hỗ trợ các học sinh. Một số em mồ côi, bệnh tật, chị sẽ miễn học phí hoặc chỉ thu vài trăm ngàn để phụ huynh có trách nhiệm với con. Nhiều bé có bố mẹ bận đi làm hoặc ông bà không có sức khỏe để chăm sóc thì chị giữ các bé ở lại ăn trưa.

Đồ dùng học tập chuyên biệt của các học sinh tại trung tâm.

Chiều hôm ấy, chúng tôi theo chân chị Hòa đến thăm gia đình bé Tòng Bảo Vy ở Bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La. Em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ khá điển hình, diễn đạt chưa hoàn thiện, tăng động giảm chú ý nhiều, rối loạn hành vi,… Còn em gái Vy cũng không may bị tan máu bẩm sinh, mỗi tháng phải đi truyền máu 1 lần. Bố mẹ em chỉ làm thuê tự do nên thu nhập bấp bênh, gia đình vô cùng khó khăn. Từ năm 2021, Bảo Vy học ở trung tâm của chị Hòa trong 2 đợt, tổng thời gian can thiệp khoảng 12 tháng.

Chị Lường Thị Triệu, mẹ của Vy chia sẻ: “Đến 2 tuổi là các bạn bập bẹ nói nhưng con mình không biết, con chỉ ngồi một chỗ, ai ko vừa ý là con la hét. Sau khi đưa con tới học cô Hòa, con đã biết nói, biết giao tiếp với mọi người. Là một người mẹ, chờ đợi đến khi lần đầu con nói chuyện với mình, tôi rất hạnh phúc”. Nói đến đây, chị Triệu bật khóc....Có lẽ người mẹ trẻ xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc diệu kỳ ấy. Đến nay, Bảo Vy đã có thể đi học lớp mẫu giáo bình thường, tiếp thu tốt, không bị cô lập nữa. Tuy nhiên cô giáo Nguyễn Thị Hòa vẫn thường xuyên đến nhà để kiểm tra tình trạng của con.

Nữ giáo viên dệt bầu trời hi vọng cho các em nhỏ tự kỷ,  khuyết tật ở vùng núi Sơn La - Ảnh 8.

Chị Lường Thị Triệu xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc con nói chuyện.

“Đến 2 tuổi là các bạn bập bẹ nói nhưng con mình không biết, con chỉ ngồi một chỗ, ai ko vừa ý là con la hét. Sau khi đưa con tới học cô Hòa, con đã biết nói, biết giao tiếp với mọi người. Là một người mẹ, chờ đợi đến khi lần đầu con nói chuyện với mình, tôi rất hạnh phúc...”













Niềm vui từ sự nỗ lực của cả cô, trò và phụ huynh

Để quá trình can thiệp của con thành công thì phụ huynh phải vào cuộc một cách quyết liệt, chính phụ huynh cũng là những người trị liệu viên tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều người mẹ khó chấp nhận sự thật rằng con họ gặp vấn đề, nhiều gia đình chưa có nhận thức để đồng hành cùng con. Đó là vấn đề chung của rất nhiều trường hợp có con mắc chứng tử kỷ trên cả nước. Thế nhưng điều tôi muốn lan tỏa là những người mẹ đã thương con một cách “tỉnh táo”.

Chị Hòa kể với tôi về một người mẹ như thế. Khi người mẹ đưa con đi khám ở bệnh viện Nhi, con được chẩn đoán bị rối loạn phổ tự kỉ. Dù rất suy sụp, người mẹ đã tự trấn an mình và cho con đến trung tâm để can thiệp. Trong 6 tháng đầu con vẫn chưa nói được, cho đến tháng thứ 7, khi đứa con nói được từ “mẹ” thì chị đã ôm con khóc ngay giữa sảnh. Lúc đó người mẹ chia sẻ rằng, 6 tháng qua chị giống như một cái xác không hồn, chỉ về nhà với con và nói với con như một bà mẹ điên, gặp cái gì cũng đều nói với con để cho con có phản xạ. Trong 6 tháng ấy, người mẹ cũng không hề để ý đến tóc tai, quần áo, bỏ quên mất bản thân mình. Sau khi con nói được, chị đưa con đến bệnh viện Nhi và họ cũng rất bất ngờ với sự tiến bộ của bé. Nhận được thông tin từ bác sĩ nói rằng, con có triển vọng thì chị mới về nhà đi cắt tóc, bắt đầu để ý đến mình hơn một chút. 18 tháng sau, em học sinh đó đã được đánh giá là ổn và đi học bình thường.

Với các em nhỏ gặp các chứng tự kỷ, down hay khuyết tật trí tuệ… thời gian 6 năm đầu đời là vô cùng quan trọng. Nếu được can thiệp kịp thời và đúng cách thì các em hoàn toàn có cơ hội trở nên bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, điều chị Hòa đau đáu là các bạn ở đây rất khó khăn, chỉ một bộ phận nhỏ dân cư tiếp cận được với dịch vụ, đơn vị của chị là đơn vị hành chính ngoài công lập nên có những cái muốn hỗ trợ các con nhiều nhưng điều kiện không cho phép. Do vậy chị vẫn rất ấp ủ có một trung tâm công lập để các con được hỗ trợ nhiều nhất về kinh phí, để dù các con ở hoàn cảnh nào thì cũng được tiếp cận với giáo dục đặc biệt.

Nữ giáo viên dệt bầu trời hi vọng cho các em nhỏ tự kỷ,  khuyết tật ở vùng núi Sơn La - Ảnh 10.

Chị Hòa trong những tiết học với các học trò. Chị có một tình yêu và niềm trân trọng đặc biệt với những thiên nhần nhỏ.

Tin vui là sau khi chị Hòa có cơ hội tham mưu với Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sơn La, Sở đã quyết định cho ra đời một Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Sơn La. Chị hào hứng chia sẻ: “Mình mong trong thời gian sớm nhất trung tâm sẽ đi vào hoạt động. Nhiều người hỏi mình có sợ bị mất học sinh không, nhưng mình không sợ. Mình làm được gì tốt cho các con thì mình sẽ làm”. Dự kiến, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Sơn La sẽ chính thức được hoạt động trong năm 2024, cải tạo từ một trường học cũ.

“Hồi mới dứt áo lên Sơn La, mình bảo với mẹ là nếu mà khổ quá thì mẹ cho con quay lại về xuôi, nhưng khi ở đây, mình rất yêu mến mảnh đất này, hỗ trợ được các bạn nhỏ nên mình thấy mình đang sống rất ý nghĩa. May mắn là mẹ cũng luôn ủng hộ, mẹ mình bảo ở đâu cũng được nhưng phải để cho người ta biết Nguyễn Hòa là ai” – chị Hòa cười và xúc động nhớ lại.

Thực hiện: Giang Châu, Phạm Ngọc





* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước