Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Thu Trang-Thứ tư, ngày 07/02/2024 13:50 GMT+7

Hộp đựng sắc phong thế kỉ 19 Ảnh; Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh

VTV.vn - Trong tâm thức của người Việt, rồng là cội nguồn dân tộc – đi ra từ truyền thuyết, trong tư duy nông nghiệp là thần mưa giúp cho mùa màng bội thu.

Theo tín ngưỡng dân gian, rồng là loài vật đứng đầu linh thú mang trong mình tất cả ưu thế vượt trội của các loài, trong đó sức mạnh và quyền năng thiên biến vạn hóa là hai đặc tính quan trọng. Rồng được cho là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, là uy lực bất bại trước kẻ thù. Rồng – với tư cách vừa là một sản phẩm văn hóa tinh thần, vừa là một biểu tượng văn hóa vì vậy cũng ẩn chứa trong nó nhiều ý nghĩa, phản ánh những nhận thức, những quan niệm, những triết lí, những khát vọng, tâm tư tình cảm của người Việt. 

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt - Ảnh 1.

Ấn khánh Ninh Cung Bảo Triều Nguyễn (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh)

Dưới thời kì quân chủ, hình ảnh của rồng gắn liền với bậc đế vương, thể hiện quyền uy mang năng lực tâm linh siêu nhiên. Mỗi triều đại hình ảnh của rồng được khắc họa khác nhau, nhưng vẫn thể hiện được sự tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Ấn tín của vua chúa ngày xưa được chạm khắc hình tượng rồng vàng mang biểu trưng thể hiện cho sức mạnh và sự uy quyền của nhà vua, của triều đại. Ngoài ra, rồng còn được nhìn thấy trên hoàng bào, đồ dùng của vua và chỉ có vua mới được sử dụng hình tượng này để khẳng định vị trí tôn quyền của mình.

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt - Ảnh 2.

Bình hiệu đề Minh Mạng niên chế 1820-1841 (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh)

Ở góc độ văn hóa, đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, hình tượng rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo trong kiến trúc cung đình, tín ngưỡng tôn giáo, trong mỹ thuật ứng dụng cung đình và đời sống sinh hoạt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã hiện hữu ở những vị trí trang trọng nhất trong các tác phẩm, công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, cánh cửa chùa Phổ Minh. Thời Lê Sơ, hình tượng rồng được chạm khắc phổ biến trên các chất liệu đá: rồng đá ở Điện Kinh Thiên – Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc tử Giám, trên các bia tại lăng, mộ vua Lê (Lam Kinh, Thanh Hóa). Từ thời Hậu Lê về sau đến thời Nguyễn, hình ảnh rồng được trang trí nghiêm cẩn trong cung vua, phủ chúa, lăng tẩm; trong không gian tín ngưỡng của người Việt như trên kiến trúc đình, chùa miếu, đạo quán; trên vật dụng cung đình như kim ngọc, bảo tỷ, sách đồng, sắc phong, phẩm phục…trên vật dụng hàng ngày như: nghiên mực, ống bút, bình, đĩa, tô, chén…trong sinh hoạt lễ hội như múa Rồng, trò chơi dân gian…

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt - Ảnh 3.

Hoàng bào vải thêu thế kỉ 19-20 (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh)

Trải qua thời gian, biểu tượng rồng đã được con người thay đổi theo điều kiện tự nhiên và xã hội, được sử dung theo những mục đích khác nhau, có những sự khác biệt nhất định theo từng giai đoạn lịch sử Việt Nam. Sự khác biệt ấy chính là sự điều chỉnh cư dân nhằm biến đổi và phản ánh không gian tự nhiên – xã hội của Việt Nam. Hình tượng rồng trong tiềm thức của người Việt không chỉ đơn thuần là một biểu tượng văn hóa mà còn là những giá trị tinh thần sâu sắc, thể hiện sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, tôn vinh lòng kiêu hãnh và lòng tự hào của người Việt trong tiến trình chinh phục tự nhiên và xã hội. Biểu tượng rồng qua thời gian và không gian lịch sử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, kiến tạo và phát huy bản sắc đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam trong quá khứ, hiện tại, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa thế giới.

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt - Ảnh 4.

Tiền thưởng Phi long thập ngũ bạc Triều Nguyễn (Ảnh; Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh)

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt - Ảnh 5.

Không gian Tết xưa (Ảnh; Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh)

Nhằm giúp công chúng hiểu hơn về hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam, cũng để chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh đã trưng bày chuyên đề Long Vân khánh hội giới thiệu hơn 100 hiện vật của bảo tàng và một số nhà sưu tập tư nhân. Các hiện vật được trưng bày theo 4 chủ đề gồm: hình tượng rồng trong cung đình, trong kiến trúc, trong tín ngưỡng – tôn giáo và trong đời sống sinh hoạt. Chuyên đề này có ý nghĩa là nơi hội tụ những điều tốt lành, mong ước một năm Rồng hạnh phúc sẽ đến, cùng khát vọng chuyển mình, vươn lên của đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước