VTV.vn - "Tất cả chúng ta đều là những thiên thần chỉ có một cánh, và chúng ta chỉ có thể bay nhờ ôm lẫn nhau" - nhà văn Luciano De Cresehenzo.

'Cái bệnh của họ là bị tàn phế, không giống người bình thường. Ngày xưa con em của người bệnh ở đây mà đi ra ngoài là đã bị kỳ thị rồi. Khó khăn lắm. Có người lại có con cái lên thăm, có người từ hồi đó đến giờ là không có gia đình'.

Ông Lê Anh Tuấn - Điều dưỡng Trung tâm Điều trị phong Bến Sắn, thành phố Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương - nói. 

'Lâu lắm. Lâu lâu nó mới chạy vô thăm một lần'.

Bà Nguyễn Thị Khánh, bệnh nhân Trại Phong Bến Sắn, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 3.

'Tôi đâu có làm gì xấu'.

'Cũng con người. Cũng kiếp người mà'.

Phim tài liệu "Người ơi, đừng khóc cuối đường" của đạo diễn Nguyễn Đức Đệ được phát sóng vào tháng 8/2023 với nội dung xoay quanh những người lớn tuổi sống tại Trại phong Bến Sắn, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Với câu chuyện của các nhân vật, cùng những thước phim đẹp - và buồn - cuộc đời và số phận của những bệnh nhân phong đã hiện lên đầy sống động và xúc cảm. Giống như lời chia sẻ của điều dưỡng Lê Anh Tuấn, họ là những con người sinh ra để chịu đau khổ "vì căn bệnh của họ là tàn phế". Và khác với những người mắc những căn bệnh khác, họ bị kỳ thị và xa lánh, họ trở thành nỗi sợ hãi với những người xung quanh. Và cũng chưa nhiều người thực sự mở lòng, mở rộng cánh tay với những người bị bệnh phong.

Như nhân vật ông Bảy trong phim nói: "Giờ bước ra đường, vô quán ngồi ăn đâu có dám vô. Đưa tiền họ không dám lấy đâu. Họ lấy cái kẹp họ gắp. Cái đó là có thật. Cũng con người. Cũng kiếp người mà".

Nhưng những con người ấy - những bệnh nhân phong ở Trại phong Bến Sắn - vẫn sống cuộc đời mình, hạnh phúc với những niềm vui nhỏ nhoi của họ tại đây.

"Trại Phong Bến Sắn được thành lập năm 1959. Thời điểm đó bệnh phong là bệnh mà không ai chấp nhận được" - Sơ Lê Thị Phúc, Trung tâm Điều trị phong Bến Sắn, nói - "Những bệnh nhân phong họ tìm tới và họ tìm được một nửa của họ ở đây và họ sống yêu thương, đùm bọc nhau. Đó là nguồn sức mạnh để cho họ tiếp tục... sống".

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 8.

'Tất cả chúng ta đều là những thiên thần chỉ có 1 cánh, và chúng ta chỉ có thể bay nhờ ôm lẫn nhau'.

Nhà văn Luciano De Cresehenzo.

Trong "Người ơi, đừng khóc cuối đường", người xem được tiếp cận với câu chuyện của những cặp vợ chồng lớn tuổi sống tại Trại phong Bến Sắn. Đó là câu chuyện của ông Bảy - bà Nương, của ông Bích - bà Khánh... Họ là những người đã sống và gắn bó với trại phong trong nhiều chục năm qua. Ở những câu chuyện của họ, phần lớn là buồn - buồn và đau lòng. Nhưng trên tất cả, đi cùng với nỗi đau, nỗi buồn ấy vẫn có những niềm vui, hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng lấp lánh. 

Ông  Nguyễn Văn Bảy, quê ở Cần Đước, tỉnh Long An, bị bệnh phong lúc 15 tuổi. Ông nói: "Tôi học được đến lớp 9. Lúc 15 tuổi bệnh rồi tôi nghỉ học. Lúc đó tay chân cũng còn tốt. Nổi vài đốm trên người mất cảm giác". 

"Cũng đi làm phụ gia đình, rồi sau này bệnh càng ngày càng nặng nên gia đình đưa lên Bến Sắn này ở".

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 10.

Ông Nguyễn Văn Bảy, bị bệnh phong lúc 15 tuổi.

"Tôi vô đây là năm 2001" - ông Bảy nói tiếp - "Lúc đó ở đây đông lắm. Rồi sau này chết càng ngày càng lụn, càng ngày càng lụn".

Ông Bảy nói từ khi mắc bệnh phong, cuộc đời ông đi vào bế tắc, lúc nào cũng chán nản và không còn thiết tha với cuộc sống. Ông Bảy bảo ông chỉ cảm thấy tốt hơn khi gặp bà Nương - vợ của ông. Bà chính là người đã khiến ông nhìn cuộc sống theo cách khác, tích cực hơn, không còn muốn chết nữa và hơn hết, bà Nương khiến ông cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc.

"Lúc mà gặp bà xã, lúc đó thấy cuộc đời đáng sống" - ông Bảy nói tiếp - "Lúc mà chưa gặp, muốn chết không à. Ở nhà, tối ngày cứ đòi tự sát hoài. Má tôi, bả rầy tôi hoài. Bả nói con chó, con mèo còn muốn sống, mày làm cái gì tối ngày đòi treo cổ?".

'Kệ, giờ sống như vậy có thấy vui không? Vui rồi nha, kệ'.

Nói về vợ mình, ông Bảy cho biết: "Vợ tôi thì ông già ổng bị bệnh phong. 13 tuổi vào đây sống với ông già, bà già. Bà xã thì hơi khờ thôi chứ là người mạnh lắm (người không bị bệnh phong)".

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 12.

"Lúc đó 2 vợ chồng ở dãy 5 căn" - ông Bảy nói tiếp - "Rồi mấy năm sau bệnh càng ngày càng nặng, tôi về dưỡng lão nam, vợ tôi về dưỡng lão nữ. Rồi tôi ngày nào cũng qua hết. Rồi giám đốc với bác sĩ ở đây thấy tội quá rồi cho bà vợ qua đây luôn. Qua giờ cho 2 vợ chồng ở chung 1 phòng, mà phòng 4 người".  

Ông Bảy cũng nói ông cảm thấy yên ổn và vui với những gì 2 vợ chồng ông đang có - cùng đồng hành qua những nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần. Ông Bảy và bà Nương mỗi ngày vẫn đi dạo cùng nhau bằng xe lăn, nhìn mặt trời lặn mỗi chiều và nhìn mặt trời lên mỗi sáng...

"Có gì ăn đó" - ông Bảy nói - 2 vợ chồng sống vậy cũng vui rồi. Kệ nó, ở trong bệnh viện mà được nằm kế bên nhau vậy là cũng vui rồi".

Ông Bảy bảo: "Mấy mươi năm hạnh phúc đầy đủ lắm rồi. Tôi sẽ không khóc đâu. Chắc chắn tôi sẽ không khóc đâu. Nếu có kiếp sau thì tôi cũng xin được sống chung với vợ tôi thôi. Tôi sẽ lấy vợ tôi làm vợ".

'Em còn mấy cái răng?'

'3 cái'.

'Mệt quá. Cười cái cho khoẻ coi!'.

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 16.

'Anh đâu có tiền, mua 2 cái nhẫn giả làm hôn phối. Được rồi, quan trọng là tình thương thôi. Nhẫn giả mà cái tình thương là thật'.

"Giờ đâu có mong gì nữa" - ông Bảy tiếp tục - "Không biết ngày nào chết, ngày nào sống. Bệnh nhân phong cùi còn gì nữa đâu? Dấu chấm hết". 

Trong suốt phim, người ta thường thấy ông Bảy hát, ông cũng nói những câu mang tính tích cực, với mình và mọi người, để vượt qua những đắng cay của cuộc sống. Rất ít trong những chia sẻ ấy là lẩn khuất của nỗi đau - đau đến tận cùng của một người mắc bệnh phong, bị mọi người xa lánh.

"Giờ bước ra đường, vô quán ngồi ăn đâu có dám vô. Đưa tiền họ không dám lấy đâu. Họ lấy cái kẹp họ gắp" - ông Bảy nói - "Cái đó là có thật. Cũng con người. Cũng kiếp người mà. Tôi đâu có làm gì xấu".

'Nói như những nhạc sĩ thường nói, cuộc đời bị ruồng bỏ. Chúng tôi cũng bị cuộc đời ruồng bỏ. Cuối đường, không hoà nhập được, chỉ biết quanh quẩn trong đây thôi'.

Ông Nguyễn Văn Bảy.

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 20.

Ông Bảy túc trực ở phòng cấp cứu khi bà Nương ngã bệnh. Ông nói bà cố gắng và rằng nếu có kiếp sau, ông sẽ vẫn lấy bà làm vợ.

'Vợ chồng mấy chục năm rồi. Cố gắng lên nha em'.

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 23.

Khác với ông Bảy và bà Nương, ông Nguyễn Bích và bà Nguyễn Thị Khánh không được sống chung một phòng. Một người ở nhà dưỡng lão nam, một người ở nhà dưỡng lão nữ. Vì ông Khánh đã 96 tuổi nên ngày ngày, bà Khánh thường qua thăm ông. Bà Khánh nói ít khi con bà lên thăm vì con gái bà ở Buôn Mê Thuột, năm nay cũng 64, 65 tuổi rồi.

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 24.

Bà Khánh ngày ngày nhờ các điều dưỡng đẩy bà đến khu nhà của ông Bích.

"Tôi vô đây là ở nhà 5 căn ở dưới á" - bà Khánh nói - "Già quá, yếu quá, đứng lên ngồi xuống, nấu ăn không được. Rồi mới lên đây nhờ mấy dì". 

Nói về ông Bích, bà Khánh bảo: "Ổng điếc còn hơn tôi nữa. Nhiều khi qua hỏi ổng không nghe. "Thôi bà đi về" - ổng đuổi vậy đó".

"Tôi đi về không thèm nói. Hai ba ngày rồi qua nữa. Vậy thôi. Không qua thì ổng qua đây".

Nói về mối quan hệ của bà Khánh và ông Bích ở Trại phong Bến Sắn, có người ở trại bảo dù thỉnh thoảng ông bà giận hờn nhau nhưng "ổng còn thương bà nhiều lắm" hay "bả có gì đem cho ông, có ngày đi ra hai ba lần đấy. Trời nắng chang chang cũng đi luôn".

"Bả thăm ổng hoài"

"Thăm hoài. Ngày đi 2 cữ"...

Bà Khánh thường vẫn ngày đôi lần đi từ khu dưỡng lão nữ sang khu dưỡng lão nam để thăm ông Bích. Bà vẫn nhờ những điều dưỡng ở Trại phong Bến Sắn đẩy xe giúp bà qua thăm ông.

“Bà thấy không?”

“Không thấy, cái mắt tôi không thấy có thấy rõ đâu”

“Bây giờ da thịt nó biến dạng rồi…”

Còn ông Bích, nói về vợ mình, ông bảo: "Tôi gặp bả nay cũng 70 năm rồi. Bả là con của bà mẹ kế. Rồi bà lớn, con cháu của bà lớn đánh đập, đuổi, xô, mắng nhiếc. Vì tôi thấy hoàn cảnh của bả, tôi rất thương tâm. Tôi kết nghĩa với bả". 

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 29.

Ông Bích, 96 tuổi.

"Lúc mà sanh con gái ra mới có biết bò, nó té. Tôi giận quá tôi đánh bả một bạt tai. Một lần đó tôi hối hận cho đến bây giờ" - " - ông Bích kể.

"Nhiều khi, bả nhìn tôi rất lâu. Bả nói: Tôi nói với ông là sống gửi nạc, thác gửi xương. Chừng nào mà ông đi trước tôi thì tâm trí tôi lúc nào cũng nhớ đến ông. Tôi mong rằng gặp ông nơi chỗ khác".

Và rồi, ông Bích đã ra đi trước người vợ của mình. Ông để bà Khánh lại một mình nơi Trại phong Bến Sắn. Ông Bích đi, con gái rất lâu mới đến thăm, bà Khánh sống cô quạnh hơn bao giờ hết - dù bên bà vẫn có những bệnh nhân phong khác bầu bạn, có ông Bảy, có bà Nương... Nhưng họ cũng không thể lấp được khoảng trống của ông Bích - người đã bên cạnh bà suốt 70 năm qua.

"Bây giờ tôi ra đây ngồi, ngó qua bên đó tôi nhớ ổng" - bà Khánh bảo - "Nhớ ổng... là nước mắt. Giận ổng, ổng đi mà không nói tiếng nào hết trơn".

Ông Bảy thường trò chuyện với bà Khánh sau khi ông Bích ra đi.

Bà Khánh quên nhiều thứ, hỏi con gái lên thăm bao giờ bà nói bà "quên rồi". Mọi người hỏi bà hôm nay ăn cơm gì, bà nói "hồi nãy ăn cơm gì quên rồi"... Nhưng khi mọi người hỏi bà có nhớ ông không? Bà nói "nhớ chứ". Mọi người hỏi ông tên gì? Bà bảo "ông tên Bích". Mọi người hỏi ông bao nhiêu tuổi rồi? Bà nói rành rọt: "Ông nay thiếu 3 năm nữa là 100 tuổi rồi".

Đúng như lời bà Khánh đã nói với ông Bích khi ông còn sống: "Chừng nào mà ông đi trước tôi thì tâm trí tôi lúc nào cũng nhớ đến ông".

Người ơi, đừng khóc cuối đường - Đẹp và... Đau lòng - Ảnh 31.

Bà Khánh ngày ngày đến nhìn hũ tro cốt của ông Bích - người bà vẫn ghé qua thăm ngày đôi lần khi ông còn sống.

'Đi về đi ông. Về trển ở đi. Khi không... ngồi xuống đây, dưới này... ngồi dưới này. Ở dưới này làm cái gì?'.

'Ông ở dưới này làm cái gì... ông?'

'Về dưỡng lão ở chứ ngồi dưới này làm gì ông?'.

Phim tài liệu: Người ơi, đừng khóc cuối đường

"Người ơi, đừng khóc cuối đường" của đạo diễn Nguyễn Đức Đệ là 1 trong 6 phim tài liệu nhận được đề cử của Ấn tượng VTV - VTV Awards 2023 cho hạng mục Phim tài liệu ấn tượng. Giải thưởng vừa được khởi động vào ngày 1/12 vừa qua với vòng bình chọn 1.

___

Người thực hiện: N.A

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước