VTV.vn - "Nếu có ai hỏi tôi mười sự kiện lớn của thế kỷ 20 là gì, tôi sẽ nói rằng chắc chắn là có Điện Biên Phủ" - Nhà sử học Alain Ruscio.

Giữa năm 1953, nước Pháp rơi vào khủng hoảng bởi cuộc chiến ở Đông Dương. Quân Pháp lúc này đã lún sâu vào thế phòng ngự. Trong khi đó, bộ đội, du kích Việt Nam mở các trận đánh lớn, nhỏ làm suy yếu quân Pháp trên mọi chiến trường.

Nghị trường Pháp dậy sóng bởi những tranh luận không dứt về chiến tranh tại Đông Dương. Tranh cãi tại Quốc hội Pháp cuối năm 1953 cần chấm dứt chiến tranh Đông Dương và tìm ra lối thoát trong danh dự.

Theo đại biểu Gilbert De Chambrun nói trong phiên họp Quốc hội Pháp ngày 27/10/1953 về chính sách của chính phủ Pháp ở Đông Dương: "Nếu các ông không muốn đối thoại với chính phủ Hồ Chí Minh thì chẳng có lối thoát nào khác, đó sẽ là chiến tranh và chúng ta sẽ còn phải đối mặt với một cuộc chiến tranh rất dài".

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 1.

Tiến sĩ Ivan Cadeau của Bộ Quốc phòng Pháp nói về thời điểm đó của nước Pháp: "Mùa xuân năm 1953, về phía Pháp, cuộc chiến tranh Đông Dương đã đi vào bế tắc, nghĩa là về mặt chính trị và quân sự, nước Pháp chưa biết phải làm gì để có thể chấm dứt vấn đề này. Và thế là Pháp bổ nhiệm một tổng tư lệnh mới và Tướng Navarre được giao một nhiệm vụ, đó là tìm ra một lối thoát trong danh dự cho Chiến tranh Đông Dương".

"Kể từ năm 1950, người Pháp đã ở trong khuôn khổ chính sách chống chủ nghĩa cộng sản của Mỹ. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, khát vọng độc lập của người Việt Nam không được tôn trọng Người Mỹ, không muốn Việt Nam, Lào hay Campuchia rơi vào tay cộng sản" - Tiến sĩ Ivan Cadeau nói thêm.

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 2.

Trong khi đó, theo Giáo sư Hugues Tertrais của Đại học Paris 1, Panthéon-Sorbonne, Cộng hòa Pháp nói: "Chi phí chiến tranh tại Đông Dương lấy ngân sách của Pháp và cần xin biểu quyết của các nghị sĩ. Vậy phải làm gì để giảm bớt ngân sách chiến tranh? Họ đã làm bằng cách chuyển giao phần lớn chi phí đó cho Hoa Kỳ".

Với sự hỗ trợ và tiềm lực mạnh của Mỹ, Pháp tin tưởng sẽ chắc thắng. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cơ hội thoát khỏi chiến tranh ở Đông Dương đã kết thúc theo cách mà người Pháp… không bao giờ ngờ tới.

ĐIỆN BIÊN PHỦ THẤT THỦ...

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 5.

Từ tháng 11/1953, Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự "không thể xâm phạm", mạnh nhất Đông Dương án ngữ Tây Bắc Việt Nam. Đây là điểm mấu chốt tạo lợi thế quân sự, thực hiện kế hoạch Navarre giải quyết khó khăn của Pháp ở Đông Dương, gây sức ép buộc Việt Nam phải kết thúc chiến tranh theo ý của Pháp, Mỹ.

Ngày 20/11/1953, Tư lệnh Navarre đã chỉ thị cho tướng Cogny, trong vòng 5 ngày, chậm nhất ngày 1/12 phải đánh chiếm Điện Biên Phủ.

Cuộc hành binh đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh Castor (tiếng Việt là chiến dịch Hải Ly) mở đầu cho quân đội Pháp đổ bộ đánh chiếm lòng chảo Điện Biên.

Chỉ trong 3 ngày, đã có khoảng 4.560 lính nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

'Điện Biên Phủ luôn là ưu tiên số một'.

Tư lệnh không quân ở Đông Dương, Charles Lauzin cho biết.

Từ ngày 20/11/1953 đến 7/5/1954, Quân đội Pháp dùng chiến thuật phòng ngự tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chủ yếu phụ thuộc vào không quân. Không quân vận tải tiến hành bay quay vòng không ngừng nghỉ.

Theo một báo cáo của Tư lệnh không quân ở Đông Dương, Charles Lauzin cho biết: "Sự xuất hiện ngày càng lớn mạnh của lực lượng Việt Minh là lí do đầu tháng 12, Tổng tư lệnh quyết định đánh trận Tây Bắc, tập trung vào Điện Biên Phủ, phải giữ được bằng mọi giá nơi đây. Lực lượng không quân chịu trách nhiệm và hỗ trợ hoàn toàn cho chiến dịch".

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 7.

(Ảnh chụp màn hình)

Ngày 21/11/1953, lần đầu tiên ở Đông Dương và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Pháp, hai chiếc máy ủi nặng 6 tấn được máy bay C.119 thả dù xuống Điện Biên Phủ để phục vụ chiến thuật chưa từng có của quân đội Pháp.

'Ngày 11/11, nhận được lệnh đưa đội máy bay vận tải quân sự vào tình trạng tối đa. Chỉ huy trưởng đã bày tỏ sự dè dặt về khả năng thực hiện nhiệm vụ vì lí do khoảng cách giữa điểm tiếp nhiên liệu và Điện Biên Phủ'.

Trích dịch trong Báo cáo hoạt động vận chuyển hàng không trong trận chiến Điện Biên Phủ.

Trong 18 ngày, tài liệu Pháp ghi nhận 1760 tấn thiết bị các loại đã được chuyển đến Điện Biên Phủ, tức là gần 100 tấn/ngày.

Tuy nhiên, các rủi ro về việc thiết lập trận địa tại Điện Biên Phủ cũng đã được lực lượng không quân Pháp cảnh báo trước.

Trích dịch Báo cáo Tướng không quân Charles Lauzin - Tư lệnh không quân ở Đông Dương: "Thông tin về thời tiết chỉ được cung cấp bởi các máy bay vận tải đang trên đường thực hiện nhiệm vụ".

“Hạ tầng thông tin và cơ sở hạ tầng yếu kém" 

“Địa hình bụi bặm, đường băng tồi tàn được chỉ định để thực hiện chiến thuật".

Bất chấp mọi cảnh báo và khó khăn, tháng 12/1953, căn cứ không quân lục quân của Pháp dần thay đổi thành tập đoàn cứ điểm hùng mạnh với nhiều công sự.

Sơ đồ phòng thủ của Điện Biên Phủ tập trung chủ yếu bảo vệ khu vực sân bay, được bao quanh bởi những quả đồi.

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 9.

(Ảnh chụp màn hình)

“Tôi coi trận chiến Điện Biên Phủ là ưu tiên số một và tôi quyết tâm bằng mọi cách để triển khai nó trong những điều kiện thuận lợi nhất và để chiến thắng”.

Trong văn bản đề ngày 31/12/1953, Navarre nêu rõ.

Tháng 2/1954, Điện Biên Phủ đã trở thành pháo đài bất khả xâm phạm.Theo tài liệu Pháp, Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) chiếm tới gần 10% lực lượng lục quân Bắc Việt Nam của Pháp. Số đạn dược cao hơn 20% số lượng tiêu thụ hàng tháng của toàn lực lượng lục quân Bắc Việt Nam.

Trong Hồi ký Nava viết: "Trong những tháng trước khi xảy ra trận đánh, nhiều chính khách Pháp đã lên thăm Điện Biên Phủ. Tất cả đều nhận định lạc quan, thuận lợi trước sức mạnh phòng thủ của tập đoàn cứ điểm và lực lượng quân đội có tinh thần tốt. Không một ai mảy may tỏ ý lo ngại. Tướng, O’Danien khẳng định với tôi rằng nếu tiến công, Việt Minh chắc chắn sẽ bị "đè bẹp". 

Trong suốt cuộc chiến, tình báo Pháp đã huy động mọi nguồn lực để phục vụ chiến dịch. Được đầu tư tối đa về nhân sự, kỹ thuật và tài chính, các thông tin về đối phương được xác định khá chính xác.

Tình báo của Pháp dựa vào nhiều nguồn thông tin, trong đó có trinh sát không quân và các bộ phận giải mã điện đài để cung cấp và giải mã thông tin. Nhiều thông tin của Việt Minh nhanh chóng bị tình báo Pháp thu thập, nghiên cứu, lấy đó làm cơ sở xây dựng các phương án phản công.

(Ảnh chụp màn hình)

Từ tháng 12/1953, tin tức về sự chuyển dịch lực lượng và ngày nổ súng của bộ đội ta đã khiến quân Pháp càng thêm ảo tưởng về mục tiêu sẽ dành chiến thắng tại pháo đài Điện Biên Phủ.

Trong hồi ký Nava có đoạn viết: "Tin tức tình báo cho chúng ta biết Việt Minh đã thay đổi kế hoạch. Ít nhất cũng tạm thời, kế hoạch đánh vào đồng bằng bị gác lại và Việt Minh sẽ tiến công trên hai hướng: một hướng, có lẽ là chủ yếu đánh lên vùng rừng núi Bắc Bộ và Thượng Lào, một hướng đánh vào miền Trung Đông Dương".

Bộ chỉ huy Pháp còn cho thử nghiệm các phương tiện kỹ thuật chụp ảnh mới bằng tia hồng ngoại, nhằm xác định mục tiêu chính xác hơn. Tuy nhiên, không thám của quân đội Pháp không đạt kết quả theo dự định.

'Những bức không ảnh rất quan trọng đối với bộ chỉ huy Pháp trên mặt đất. Tuy nhiên không dễ dàng. Những chiếc máy bay đã đến, đi ngang qua và phải rời đi, bởi vì không có đủ nhiên liệu để ở đó quá lâu. Các bức không ảnh cung cấp nhiều thông tin, nhưng không được khai thác triệt để'.

Ông Thierry Riet - Nhà nghiên cứu Pháp về Điện Biên Phủ - cho biết.

Có hai điểm mà tình báo Pháp không ngờ tới, đó là chiến thuật sử dụng pháo cao xạ và vị trí các hầm pháo trên núi của Việt Minh. Đây được coi là hai điểm mù trong hoạt động tình báo, một trong những nguyên nhân dẫn tới thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.

Bộ hồ sơ số hiệu 1K 342 lại cho thấy sự lo ngại của Pháp về vũ khí của Việt Minh khi có rất nhiều báo cáo mật liên quan đến số lượng vũ khí, đặc biệt là vũ khí mới cũng như đề xuất các giải pháp để đối phó. Trong đó có một bản báo cáo nhiều trang về biện pháp để vô hiệu hóa pháo phòng không của Việt Minh đề cập mời các chuyên gia Mỹ đưa ra các giải pháp.

Cũng theo báo cáo của Tư lệnh không quân ở Đông Dương Charles Lauzin khẳng định: "Từ ngày 13/3/1954, các công trình, vị trí của một số khẩu đội lựu pháp trọng pháo và pháo phòng không (37 ly) của Việt Minh đã được phát hiện".

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 13.

(Ảnh chụp màn hình)

"Với hoạt động trinh sát, nhận thấy hiệu quả bị giảm sút do tính chất địa hình, điều kiện thời tiết, khoa học ngụy trang của Việt Minh ngày càng tinh vi. Những dấu hiệu về các diễn biến trên các tuyến giao thông, hay hoạt động của Việt Minh tại các điểm nhạy cảm và sự xuất hiện của Việt Minh xung quanh lưu vực liên tục được quan sát và báo cáo. Từ ngày 13/3, các công trình, vị trí của một số khẩu đội trọng pháo và pháo phòng không của Việt Minh đã được phát hiện".

Ngay trước đợt tấn công đầu tiên, niềm tin vững chắc về chiến thắng ở ĐBP của tướng Navarre đã nhường chỗ cho sự hoài nghi đang ngày càng lớn dần khi các thông tin tình báo của VM dồn dập đổ về.

17g30 phút ngày 7/5/1954, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ.

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 15.

(Ảnh chụp màn hình)

'AI LÀ NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ THẤT BẠI NÀY?'

17g30 phút ngày 7/5/1954, sự sụp đổ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "bất khả xâm phạm" khiến nước Pháp và cả thế giới rung chuyển. Một ngày sau sự kiện, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp đã bị tấn công ngay tại Khải hoàn môn.

Một cuộc chiến đã khép lại song 1 cuộc chiến mới lại tiếp tục mở ra trong nội bộ nước Pháp nhằm truy tìm…

"Ai là người chịu trách nhiệm về sự thất bại này?"

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 17.

Gần 1 năm sau thất bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, dưới đề nghị của Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, ngày 31/3/1955, một ủy ban điều tra đã được Bộ Quốc phòng Pháp thành lập nhằm làm sáng tỏ mọi sự việc liên quan tới thất bại mang tên Điện Biên Phủ. Nhiều nhân vật, tướng lĩnh chủ chốt khác có liên quan đã được mời tới điều trần, trong đó có 3 tướng chỉ huy trực tiếp là: Tướng 4 sao Henri Navarre - Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương; Tướng 3 sao René Cogny - Chỉ huy quân Pháp tại Bắc Đông Dương và Tướng De Castries - Chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ.

Henri Navarre đã nghĩ gì sau khi bại trận ở Điện Biên Phủ?

Vị tướng được coi là có nhãn quan chiến lược, đầy tự tin đã bất ngờ bày tỏ trong cuốn hồi ký "Đông Dương hấp hối" viết năm 1956, đối mặt với những phản ứng trái chiều của dư luận Pháp. 23 năm sau, năm 1979, cuốn hồi ký thứ hai của Navarre mang tên "Thời điểm của những sự thật" được xuất bản đã thu hút dư luận nước Pháp.

Trong cuốn hồi ký này, tướng Henri Navarre nói đến Sài Gòn vào ngày 19/5/1953 và ở trang 55, vị tướng này viết: "Đối với tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, cuộc chiến Đông Dương bây giờ chỉ còn là một việc phải giải quyết đi cho rồi. Người ta muốn thoát ra khỏi cuộc chiến này, nhưng lại bất đồng với nhau cả về đường lối chính trị, cả về chiến lược cần phải áp dụng. Vì được giao nên tôi cũng đã vạch ra một kế hoạch chính trị - quân sự và trở về Paris vào đầu tháng 7 để báo cáo lên Chính Phủ".

Hy vọng can thiệp từ Mỹ thất bại...

Trong Hồi  ký  tướng Navarre có đoạn viết: "Muốn giải vây cho Điện Biên Phủ ta có thể tính triển khai hành động bằng đường bộ hoặc bằng hàng không. Hành động bằng đường không đòi hỏi những phương tiện vượt quá xa khả năng của ta. Tướng Ely, lúc ấy đang có công vụ ở Washington những ngày đầu tháng 4 đã hỏi ý kiến tôi về việc này và tôi trả lời sự can thiệp ồ ạt của không quân Mỹ có thể cứu nguy cho Điện Biên Phủ".

Giáo sư Pierre Journoud của Đại học Paul-Valéry-Montpellier 3, Cộng hòa Pháp nhận định khi nhìn lại thời điểm lịch sử ấy: "Sự hỗ trợ đã không diễn ra, bởi Tổng thống Eisenhower đặt điều kiện cho sự hỗ trợ [quân sự cho nước Pháp] phải có sự tham gia ít nhất là của đồng mình Anh. Tuy nhiên, Anh đã từ chối một cách kịch liệt. Và kết quả là  Tổng thống Eisenhower đã nói không với người Pháp".

'Tại sao tôi không cứu Điện Biên Phủ?'

Báo Le Figaro cuối năm 1963 đã trích đăng nhiều kì hồi kí của cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower, trong giai đoạn chiến dịch Điện Biên Phủ trong loạt bài có tên gọi: Tại sao tôi không cứu Điện Biên Phủ.

“Chúng tôi đã có thể hỗ trợ người Pháp bởi những cuộc tấn công bằng máy bay trên những vị trí của cộng sản tại Điện Biên Phủ. Nhưng tôi đã rất nghi ngờ về hiệu quả của việc tấn công bằng máy bay chống lại Việt Minh được triển khai trên bộ, nơi Việt Minh không thiếu chỗ ẩn nấp" - Tổng thống Mỹ Eisenhower nói trong cuôns hồi ký - "Với tôi, việc can thiệp này có nguy cơ thua cuộc. Lực lượng trên không có thể là cứu cánh tạm thời cho tinh thần của quân đội Pháp, nhưng tôi không đồng ý với ý định sử dụng lính Mỹ trong điều kiện hạn chế này, nơi mà sự can thiệp của chúng tôi không có tính quyết định chiến thắng".

Trước sự bẽ bàng vì bị từ chối, Pháp không có lựa chọn nào khác là phải tự trụ vững ở Điện Biên Phủ. Ít nhất cho đến khi hội nghị Geneve đạt được thỏa thuận đình chiến, cho phép tránh được thảm họa và giúp Pháp có một lối thoát danh dự.

(Ảnh chụp màn hình)

Ngoan cố, chi viện lính dù không được đào tạo...

Thực trạng đào ngũ và thiệt hại trong các trận đánh đã khiến quân số tham gia chiến đấu của các lực lượng phía Pháp sụt giảm.

Đầu tháng 4, Trung tá Langlais, chỉ huy phó của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ yêu cầu tăng cường quân nhảy dù. Đề nghị của ông ta vấp phải sự phản đối của Đại tá Chauvagnac, Tư lệnh lực lượng không vận Đông Dương. 

Ngày 11/4/1954, Langlais đã gửi Chauvagnac bức điện viết: "Không còn cả binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO) lẫn phi đội không vận (GAP), không còn lính lê dương, lính Ma rốc nào cả, mà chỉ có 3000 lính, chủ yếu là lính dù đang phải đương đầu với 4 Đại đoàn của Tướng Giáp. Số phận của quân đội Pháp ở Việt Nam và Đông Dương đang diễn ra ở Điện Biên Phủ. Cần phải hiểu rằng chiến dịch này chỉ có thể được duy trì bằng cách tăng cường thêm quân nhảy dù, dù họ có chứng chỉ hay không".

“Ngày 15/4/1954: 3h15: Đêm nào, máy bay cũng thả dù. Họ không ngần ngại chơi những trò chết người, như ban đêm nói là chỉ bay cao 200m để thả dù người, nhưng thực ra máy bay thả người từ độ cao 600m, 700m. Kết quả là những chàng trai khốn khổ đó bị gió đưa, rơi xuống chỗ Việt Minh'.

'Pháo cao xạ của Việt Minh ngày càng đáng sợ và ngày nào cũng hạ trung bình một máy bay của ta'.

'Những ngày vừa qua trôi qua thật chậm. Hội nghị Geneve bị kéo dài. Họ không biết rằng ở đây có khoảng 2000 thương binh cần được cấp cứu hay sao'.

Nhật ký Điện Biên Phủ của trung úy FOY, Tiểu đoàn I, Trung đoàn 4, Bộ binh Maroc. 

Tướng Navarre đã ngoan cố chi viện cho chiến dịch, bất chấp cục diện. Theo các báo cáo, có khoảng 700 trong số 1800 lính đăng kí tăng cường từ ngày 13/4 đến 7/5 là lính tình nguyện không được đào tạo nhảy dù.

NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA ĐIỆN BIÊN PHỦ - THỪA NHẬN TỪ TƯỚNG LĨNH PHÁP TRƯỚC TRUYỀN THÔNG

Thất bại tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã tạo nên cơn chấn động. Nhiều ngày sau thậm chí là rất nhiều năm sau, truyền thông vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về những sự thật chưa được giải đáp, ai là người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa mang tên Điện Biên Phủ?

Trả lời báo l’Aurore ngày 17/05/1954 về câu hỏi: "Trách nhiệm của thảm họa này ở đâu?", 4 lí do chính khiến Điện Biên Phủ bị thất bại đã được một tướng lĩnh cấp cao Pháp đưa ra.

"Sự tồn tại của một Đại đoàn chiến đấu của tướng Giáp được trang bị pháo 105 ly đã phát huy hiệu quả. Với việc lựa chọn vị trí của tập đoàn cứ điểm tại Điện Biên, quân đội Pháp chúng ta vô hình chung đã tạo cho pháo của Việt Minh cơ hội phát huy chiến thắng. Ở đây có sự thiếu hiểu biết về tầm nhìn xa của bộ chỉ huy của quân đội Pháp".

Thiếu sân bay, thiếu tổ chức  

"Đúng là Đông Dương không có cơ sở hạ tầng mặt đất cần thiết để tiếp nhận các máy bay cỡ lớn hiện đại của Mỹ. Chắc chắn, dù với số lượng lớn máy bay cũng không đủ để ngăn chặn lính bộ binh da vàng đang chiến đấu rất kiên cường".

Tại sao vẫn thả dù vào trận địa thay vì thả ở ngoại biên?

"Đây chắc chắn là sai lầm lớn nhất ở Điện Biên Phủ. Mục tiêu là tăng quân đồn trú, nhưng trong thực tế cứ thả dù quân xuống đến đâu thì bị Việt Minh tiêu diệt đến đó. Lẽ ra chúng ta nên cho quân tiếp viện nhảy dù ở ngoài lưu vực để nhằm chuyển hướng quân đội của tướng Giáp. Giải pháp tăng cường quân đồn trú là vô cùng tệ về mặt quân sự".

Ai là người chịu trách nhiệm về thất bại của Điện Biên Phủ, hay nói đúng hơn là sự hoạch định chiến thuật dẫn đến thất bại này?

"Gần một phần mười quân viễn chinh ở Viễn Đông bị tiêu diệt tại Điện Biên Phủ. Đó là sự thật. Thiết kế căn cứ cố thủ Điện Biên Phủ có nằm trong chính sách quân sự chung của Chính phủ không? Nếu có thì chính phủ phải chịu trách nhiệm về thất bại này".

"Nếu tướng Navarre phủ nhận việc thất bại là do ông ta gây ra thì việc ông ta từ chức phải giải thích ra sao? Thất bại là hậu quả của một chính sách chiến tranh tồi tệ. Và tôi tự đặt câu hỏi: Có hay không sự khác biệt trong chính nội bộ của chính phủ về cách tiến hành cuộc chiến này?".

VIỆT MINH THẮNG - GÓC NHÌN CỦA NAVARRE

Trong cuốn Hồi ký Tướng Navarre, Navarre đã đưa ra 3 lý do mà theo vị tướng này đã mang đến chiến thắng cho Việt Minh và dẫn đến thất bại của Pháp.

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 28.

(Ảnh chụp màn hình)

1. Việt Minh có một lòng tin, sự quyết tâm ghê gớm, sự năng động mạnh mẽ và một sự thống nhất hành động hoàn toàn giữa chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo chiến dịch. Còn phía Pháp chúng ta là một liên minh các quốc gia có quyền lợi khác nhau, nếu không phải là trái ngược nhau, về các mục tiêu, là sự do dự và thiếu hẳn sự kết hợp giữa chính trị và quân sự trong chiến tranh.

2. Phía Việt Minh là một cuộc chiến tranh được dân chúng tham gia một cách toàn diện. Phía chúng ta là một cuộc chiến tiến hành nửa vời. Người ta thậm chí không buồn nói tại sao người lính của chúng ta phải chiến đấu.

3. Phía Việt Minh là một quân đội hết sức cơ động linh hoạt. Phía chúng ta, tuy mạnh hơn, nhưng phải trả giá nặng nề bởi sự cồng kềnh và thiếu thích nghi với đất nước và con người ở xứ sở này.

Chúng ta luôn đánh giá thấp Việt Minh, cả về chính trị lẫn quân sự. Uy tín ảnh hưởng của họ đối với dân chúng, tinh thần, tính năng động, trình độ quân sự của các cấp chỉ huy, tất cả họ đều luôn cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ.

Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp - 70 năm sau chiến thắng lịch sử - Ảnh 29.

(Ảnh chụp màn hình)

'Người Pháp cho rằng chỉ cần có thêm máy bay, thêm xe tăng hêm bom là đủ để giành chiến thắng. Người Việt chưa bao giờ nghĩ như vậy. Người Việt nghĩ rằng trước hết là phải chinh phục được dư luận, chinh phục được lòng dân thì mới kêu gọi được đủ sự hỗ trợ để quân đội có thể tiến hành các cuộc tấn công'.

Nhà sử học Alain Ruscio.

VTV đặc biệt: Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp

___

.Người thực hiện: Tiêu Trang Bảo Ngọc (Theo PTL "Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước