Thỏa thuận quốc tế đầu tiên về trí tuệ nhân tạo an toàn được thông qua

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 29/11/2023 07:00 GMT+7

VTV.vn - Thỏa thuận quốc tế về trí tuệ nhân tạo an toàn đã được thông qua bởi 18 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Italy, Australia, Singapore...

Đây là thỏa thuận chi tiết đầu tiên về cách thức bảo đảm công nghệ AI được sử dụng một cách an toàn, đồng thời hối thúc các công ty công nghệ phải tạo ra các hệ thống AI "an toàn ngay trong bước thiết kế".

Theo nội dung thỏa thuận dài 20 trang, 18 quốc gia đã đồng ý rằng các công ty thiết kế và sử dụng AI cần phát triển và triển khai công nghệ tiên tiến này theo cách giúp khách hàng và công chúng nói chung được an toàn, không bị lạm dụng.

Thỏa thuận không mang tính ràng buộc và chủ yếu đưa ra các khuyến nghị chung, như giám sát hành vi lạm dụng AI, bảo vệ dữ liệu, chỉ phát hành các mô hình trí tuệ nhân tạo sau khi kiểm tra bảo mật một cách thích hợp.

Đây là sáng kiến mới nhất trong một loạt sáng kiến của các chính phủ trên khắp thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI, vốn đang có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong ngành công nghiệp và xã hội nói chung.

Thỏa thuận quốc tế đầu tiên về trí tuệ nhân tạo an toàn được thông qua - Ảnh 1.

Bà Jen Easterly - Giám đốc Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng Mỹ: "Đây là lần đầu tiên chúng ta cùng khẳng định rằng, AI không chỉ liên quan đến các tính năng thú vị và tốc độ ra mắt thị trường hay cách cạnh tranh để giảm chi phí, mà hơn thế, với thỏa thuận vừa đạt được, mọi người đã nhất trí rằng điều quan trọng nhất cần phải thực hiện ở giai đoạn thiết kế chính là an ninh".

Thỏa thuận vừa đạt được giải quyết các câu hỏi về cách đảm bảo cho công nghệ AI không bị tin tặc tấn công và nêu ra các khuyến nghị giúp AI an toàn hơn. Tuy nhiên, thỏa thuận này không giải quyết các câu hỏi hóc búa xung quanh việc sử dụng AI phù hợp, hoặc cách thu thập dữ liệu cung cấp cho các mô hình này. Trong khi vấn đề này lại đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp đang phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo cho hàng triệu khách hàng.

Tác động của thỏa thuận trí tuệ nhân tạo an toàn

Hiện thời có lẽ chưa có tác động gì đáng kể đến các công ty công nghệ, dù rằng các công ty này chắc chắn phải để tâm tới quan điểm chính sách của chính quyền sở tại. Và thỏa thuận này đã cho thấy tầm nhìn chung của một số quốc gia trong việc quản trị công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nhưng để có tác động thực tế, nội hàm của thỏa thuận này cần được cụ thể hóa và chế định hóa thành khuôn khổ pháp lý.

Thỏa thuận quốc tế đầu tiên về trí tuệ nhân tạo an toàn được thông qua - Ảnh 2.

Ngay như ở Mỹ thì chính quyền Tổng thống Biden đã rất nỗ lực để thúc đẩy vấn đề này nhưng cũng chỉ mới dừng lại được thành những cam kết tự nguyện hay mới nhất là sắc lệnh hành pháp để điều chỉnh và khuyến khích khu vực tư nhân phát triển AI một cách có trách nhiệm. Trong khi đó, doanh nghiệp họ nhìn vào tín hiệu của thị trường nhiều hơn là chờ có luật mới làm. Nhất là khi ở đây họ luôn tâm niệm là có thể làm những gì luật không cấm, chứ đừng nói đến là chưa có luật.

Sự thâm nhập mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo vào đời sống con người đặt ra những thách thức trong việc cân bằng giữa tăng cường quản lý để đảm bảo công nghệ này an toàn và không đưa ra các quy định quá khắt khe có thể kìm hãm sự phát triển của nó.

Hiện nay, Liên minh châu Âu đang được đánh giá là khu vực đi đầu về các quy định liên quan đến AI. Các nhà lập pháp ở châu Âu đã soạn thảo các quy tắc về AI và hy vọng sẽ chính thức có bộ luật quản lý trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào cuối năm nay. Bài toán khó cần tìm lời giải vẫn là tìm cách cân bằng giữa phát triển công nghệ và bảo vệ con người trước AI.

Cân bằng giữa phát triển công nghệ và bảo vệ con người

Ngay từ năm 2018, Liên minh châu Âu đã thành lập nhóm chuyên gia để đưa ra ý tưởng về các quy tắc quản lý AI. Sau 5 năm và rất nhiều tài liệu, các nhà lập pháp hiện đang thảo luận về bản thảo cuối cùng của bộ luật. Các nội dung hoặc sản phẩm do AI tạo ra sẽ được gắn nhãn, đó là một trong những trụ cột của Đạo luật AI mới của EU.

Ông Brando Benifei - Thành viên Nghị viện châu Âu nghiên cứu Đạo luật AI: "Chúng tôi yêu cầu một sự minh bạch, chúng tôi muốn mọi người dù đang tương tác với một chatbot an toàn, cũng biết rằng đây không phải là con người, mà là một chatbot".

Thỏa thuận quốc tế đầu tiên về trí tuệ nhân tạo an toàn được thông qua - Ảnh 3.

Ưu tiên hàng đầu là quản lý các ứng dụng AI có thể ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của con người. "Chúng tôi đã cố gắng cân bằng hai cách tiếp cận giữa một bên ủng hộ các quyền cơ bản và biện pháp bảo vệ con người, và một bên là duy trì sự đổi mới và phát triển AI ở châu Âu", ông Brando Benifei nói.

AI sẽ được quản lý ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào lĩnh vực áp dụng. Đối với các công cụ có rủi ro thấp như bộ lọc thư rác thông minh thì sẽ có ít quy định hơn.

Quy định chặt chẽ hơn được áp dụng với các ứng dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến cuộc sống của người dùng. Ví dụ: các công cụ AI lọc trước các ứng viên xin việc hoặc kiểm tra xếp hạng tín dụng của khách hàng. Các hệ thống AI được coi là quá nguy hiểm sẽ bị cấm hoàn toàn, chẳng hạn như hệ thống giám sát sinh trắc học hoặc ứng dụng chấm điểm xã hội. Các công ty sẽ phải đăng ký việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong cơ sở dữ liệu trên toàn EU. Các hệ thống AI và cách chúng vận hành sẽ được công khai cho công chúng để đảm bảo tối đa tính minh bạch.

Theo giới chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD, điều đó đồng nghĩa rằng việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ AI ngày càng cấp thiết. Những bước đi hiện tại của các chính phủ và thể chế chắc chắn sẽ đẩy nhanh những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong quản trị AI toàn cầu. Ít nhất, đó cũng là hướng đi đúng để tìm lời giải cho bài toán cân bằng phương trình AI.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước