Hà Nội đẩy mạnh phát triển mô hình “Bệnh viện chị - em” trong chăm sóc sức khỏe cho người dân

P.V, icon
03:15 ngày 21/11/2023

VTV.vn - Mô hình "Bệnh viện chị - em" giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở Y tế giao trách nhiệm và nhiệm vụ cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn triển khai thí điểm mô hình "Bệnh viện chị - em" giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì Nguyễn Ngọc Vinh, được sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thông qua mô hình "Bệnh viện chị - em", Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã đưa Đơn nguyên cấp cứu và Đơn nguyên sơ sinh vào hoạt động. Đây là một bước tiến quan trọng, làm tiền đề tiến tới thành lập Khoa Cấp cứu và Khoa Sơ sinh tại đơn vị. Hàng ngày, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sẽ thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa trao đổi chuyên môn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và trực tiếp điều trị đối với những ca bệnh nặng, phức tạp.

Với Trung tâm Y tế huyện Ba Vì có 3 phòng khám đa khoa khu vực, 31 trạm y tế xã, thị trấn, với địa bàn trải rộng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xác định 5 mục tiêu hỗ trợ đó là nâng cao năng lực quản lý bệnh không lây nhiễm tại 3 phòng khám đa khoa, củng cố năng lực cấp cứu tại Phòng khám Minh Quang, vận hành hệ thống xét nghiệm tại Phòng khám Tản Lĩnh.

Trong thời gian ngắn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu ban đầu cho 8 bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Ba Vì; nâng cao năng lực xét nghiệm cho 5 kỹ thuật viên xét nghiệm. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng thường xuyên hội chẩn chuyên môn từ xa với bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân sinh sống tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Với mô hình này, điều vô cùng quan trọng, không thể thiếu quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình đó là cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin giữa các cơ sở như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử.

Mạng lưới y tế cơ sở của Hà Nội hiện có 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 54 phòng khám đa khoa; 4 nhà hộ sinh; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với chỉ đạo các đơn vị y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, mạnh việc xây dựng xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế gắn với việc hoàn thành tiêu chí y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sở Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, hỗ trợ chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị máy móc, hóa chất cho công tác y tế dự phòng các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn hàng trăm tỷ đồng.

Hàng năm, số lượt người đến khám, chữa bệnh ở phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, thị trấn tăng lên, đạt trên 2 triệu lượt bệnh nhân/năm; có hơn 88% trạm y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 100% tại các phòng khám đa khoa. Đồng thời, triển khai công tác khám chữa bệnh tại các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, đảm bảo an toàn trong điều trị cung ứng thuốc, giảm tải số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục