Ngăn chặn hiểm họa mang tên "thuốc lá điện tử"

Tố Uyên-Thứ sáu, ngày 17/05/2024 14:16 GMT+7

Lực lượng liên ngành kiểm tra cửa hàng kinh doanh phụ kiện thuốc lá điện tử

VTV.vn - Tình trạng nhập lậu thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng và gây ra nhiều hệ lụy đến mức báo động cho kinh tế - xã hội.

Buôn lậu thuốc lá điện tử ngày càng "nóng"

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá (COP 8), tổ chức WHO đã khuyến cáo, việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine ở giới trẻ. Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca.

Theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam (VTA), thuốc lá lậu chiếm hơn 20% thị phần trong nước, mỗi năm gây thất thu ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Mặt hàng này đang trở thành thứ hàng hóa siêu lợi nhuận ở thị trường nội địa lẫn vùng biên do "né" được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng & 1,5% quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trong đó, đặc biệt thuốc lá điện tử nhập lậu hiện vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật nên chế tài xử lý tội phạm buôn lậu mặt hàng này "nhẹ" hơn nhiều so với thuốc lá điếu. Hơn thế nữa, mặt hàng này có nhu cầu cao, lợi nhuận lớn. Đó là những nguyên nhân khiến hành vi buôn lậu thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng mạnh.

Ngăn chặn hiểm họa mang tên thuốc lá điện tử - Ảnh 2.

Lực lượng liên ngành kiểm tra cửa hàng kinh doanh phụ kiện thuốc lá điện tử

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, thuốc lá điện tử đã xuất hiện nhiều năm nay trên thị trường qua đường "xách tay". Trên thực tế, tình trạng nhập lậu mặt hàng này ngày càng gia tăng và nước ta đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để siết chặt kiểm soát.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn lậu thuốc lá điện tử với quy mô lớn. Điển hình, đầu tháng 5, Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ 1 lô hàng với nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử được gửi qua dịch vụ chuyển phát hàng hóa. Cụ thể có 18 máy hút thuốc lá điện tử nghi có xuất xứ từ Trung Quốc; 370 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử trên vỏ hộp có chữ "Made in USA" và  khoảng 6.300 gói thuốc lá thành phẩm khác, vỏ bao bì có chữ "Made in Denmark by" tương đương 12.600 bao thuốc lá. Đây là vụ việc điển hình trong việc lợi dụng dịch vụ chuyển phát hàng hóa để vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa là thuốc lá điện tử, đặc biệt là hàng cấm.

Gần đây nhất, ngày 11/5, Công an thành phố Lào Cai phối hợp với Cục Quản lý thị trường Lào Cai kiểm tra thu giữ lô hàng hơn 500 máy và phụ kiện thuốc lá điện tử trên địa bàn phường Kim Tân, thành phố Lào Cai. Đối tượng vi phạm khai nhận do thấy lợi nhuận từ việc kinh doanh thuốc lá điện tử nên đã lên mạng xã hội đặt mua, tập kết và giao bán trên mạng xã hội Facebook để kiếm lời. Toàn bộ số hàng hóa trên được mua trôi nổi và không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 14/5, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, Công an thành phố Sơn La đã phát hiện, thu giữ gần 200 sản phẩm là thiết bị, phụ kiện và tinh dầu thuốc lá điện tử, gồm: 25 bộ thân máy thuốc lá điện tử, 49 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử, 120 bộ phụ kiện đầu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Siết chặt kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hệ lụy

Trao đổi với phóng viên xung quanh câu chuyện về kiểm soát thuốc lá điện tử, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay, trên thị trường xuất hiện các loại hình sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó có 2 loại phổ biến nhất được gọi là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Trong đó, thuốc lá điện tử bao gồm dung dịch thuốc lá điện tử và thiết bị làm nóng dung dịch thuốc lá điện tử. Việc nhập lậu các mặt hàng này khiến Nhà nước không thu được thuế, người dân phải sử dụng sản phẩm không được quản lý về chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe.

Theo tổ chức WHO, trên thế giới đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực Asean, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn, gồm Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Thực tế đặt ra nước nước cần kiểm soát có định hướng các mặt hàng này sẽ là cơ sở pháp lý giúp loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, xử lý các hành vi buôn lậu, tạo sự yên tâm cho xã hội. Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ phối hợp với Bộ Y tế thành lập Tổ công tác nghiên cứu trên cơ sở đánh giá tác động của loại hình sản phẩm mới này với sức khỏe người tiêu dùng và đề xuất chính sách quản lý thí điểm đối với thuốc lá điện tử. Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá này tại Việt Nam. Do đó, các hoạt động kinh doanh, quảng cáo tự phát tràn lan là vi phạm quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không có định nghĩa đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử nên nước ta đang tồn tại khoảng trống pháp lý trong việc quản lý loại hình sản phẩm này. Bên cạnh đó, việc chế tài xử lý đủ mạnh, chỉ xử lý hành chính dẫn đến tình hình buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử diễn biến rất phức tạp.

Ngăn chặn hiểm họa mang tên thuốc lá điện tử - Ảnh 4.

Người dân phải sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử không được quản lý về chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe.

"Lực lượng Quản lý thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch từ nay đến cuối năm nhằm phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử. Đồng thời sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành để đẩy lùi vấn nạn này", lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh. 


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước