Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I/2023

VTV8-Thứ tư, ngày 19/04/2023 09:33 GMT+7

VTV.vn - Những khó khăn đã thấm rõ hơn vào doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2023 không mấy khả quan.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, những khó khăn đã thấm rõ hơn vào doanh nghiệp, điều này được thể hiện qua kết quả kinh doanh quý I/2023 không mấy khả quan. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp, những nhóm ngành giữ được đà tăng trưởng và dự báo bức tranh kinh doanh chung sẽ tích cực dần lên vào nửa cuối năm nay.

BTV Mùi Khánh Ly: Thời điểm kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2023 cũng đang dần được hé lộ. Hai ông bà đánh giá như thế nào về quý I của các doanh nghiệp năm nay?

Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I/2023 - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Có thể nói, hầu hết các doanh nghiệp đều đã lường trước được rằng quý I/2023 là một quý khá khó khăn đối với nền kinh tế nói chung cũng như đối với các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Chúng ta cũng đã thấy, tăng trưởng GDP của quý I năm nay chỉ đạt khoảng 3,3% trong khi ban đầu chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP đạt gần 5% trong quý I/2023, như vậy, bức tranh kinh tế thực tế còn khó khăn hơn so với dự báo của chúng tôi. 

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu, những đối tác thương mại chính của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng của các khu vực này đều giảm khá mạnh trong quý I. Thứ hai là liên quan đến lãi suất và tỷ giá. Mặc dù lãi suất đang có xu hướng đi xuống nhưng nhìn chung so với nền của quý I năm ngoái, rõ ràng lãi suất của chúng ta vẫn ở một mức khá cao, hơn từ 1% - 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều thứ ba là tỷ giá của Việt Nam đồng so với USD mặc dù có xu hướng giảm nhiệt từ kể từ tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên so với quý I năm trước, tỷ giá của chúng ta vẫn ở mức cao hơn từ 2% - 5%. Trong nước, hoạt động sản xuất bị chậm lại, những doanh nghiệp thuộc khu vực bất động sản hay xây dựng gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam trong quý I đã giảm đi khá rõ. Những yếu tố này đã tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chúng tôi dự báo quý I năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ ở dưới 5%, tức là rơi vào khoảng từ 2% cho đến 3%, mức thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 30% lợi nhuận của quý I/2022.

Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I/2023 - Ảnh 2.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Tôi cho rằng, năm 2023 có hai gam màu, nửa đầu năm 2023 sẽ tương đối yếu, hiện chúng ta thấy thanh khoản thị trường tài chính bị thu hẹp kể từ quý 4/2022 và điều này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2023. Chúng ta đã biết, tăng trưởng kinh tế tại hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU đang có dấu hiệu chậm lại, làm cho đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường này giảm đi. Do đó, về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I sẽ có một sự phân hóa nhất định. Tuy nhiên, với những chính sách tương đối nới lỏng hơn trong thời gian gần đây, cũng như dự báo sẽ tiếp tục nới lỏng hơn nữa trong một vài tuần sắp tới thì tôi cho rằng, các chính sách sẽ bắt đầu phát huy tác dụng trong nửa cuối năm 2023.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo hai ông bà, trong quý I vừa qua thì các nhóm ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất và có kết quả kinh doanh kém hơn cả?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Chúng ta có thể thấy những ngành phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như dệt may, đồ gỗ hoặc hóa chất đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn. Bên cạnh đó, một số ngành có sự tăng trưởng tốt trong năm ngoái như là dầu khí thì năm nay, với việc giá dầu thấp hơn, ngành dầu khí cũng là một ngành ghi nhận tăng trưởng âm trong quý I. Tuy nhiên, vẫn có những ngành giữ được đà tăng trưởng như ngành ngân hàng, có thể vẫn đạt mức tăng trưởng trên hai con số, từ 10% - 15%. Bên cạnh đó, những ngành như ngành hàng không, với lượng hành khách hàng tăng gấp nhiều lần so với quý I năm trước thì chắc chắn sẽ là một ngành ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Ngoài ra, đầu tư công cũng là ngành sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng có thể là một ngành ghi nhận tăng trưởng dương.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Những doanh nghiệp dự báo sẽ ghi nhận sự chậm lại đáng kể hoặc thậm chí là thua lỗ, đó là các doanh nghiệp bất động sản do lãi suất cao đã tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ trong quý I, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ có thể ghi nhận mức giảm khoảng trên 50%. Tiếp theo đó là các doanh nghiệp dệt may do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, có thể sẽ ghi nhận mức giảm tương tự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đạm cũng bị ảnh hưởng lớn do giá bán giảm rất mạnh, nên có thể ghi nhận mức giảm sâu từ 70% - 80% . Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong trong quý I, bao gồm các doanh nghiệp như một số ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, ví dụ như ACB có lợi nhuận trước thuế quý I tăng trưởng khoảng 26% so với cùng kỳ, hay VIB cũng có thể sẽ ghi nhận cái mức tăng trưởng trên 10%. Bên cạnh đó, ngành mía đường do giá đường tăng mạnh khoảng 20% so với cùng kỳ, nên có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 10%.

BTV Mùi Khánh Ly: Ngoài ra, nếu tính nhóm vốn hóa lớn, vừa và nhỏ thì nhóm nào bị ảnh hưởng nặng nề hơn, vì sao?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Tôi cho rằng, nếu xét về quy mô của các doanh nghiệp thì rõ ràng đối với các doanh nghiệp lớn, với sức khỏe tài chính vững mạnh cũng như có quy mô về sản xuất kinh doanh, họ sẽ tận dụng được lợi thế ở thời điểm này để mở rộng thị phần và dễ dàng vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, Hòa Phát cũng là một doanh nghiệp có thể tận dụng được thời điểm khó khăn để tiếp tục tăng thị phần trong năm 2022, thêm khoảng 2% lên mức gần 33% thì rõ ràng có thể nói là các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn sẽ có sức chống chọi tốt hơn trong bối cảnh khó khăn. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do quy mô vốn ít và việc sử dụng đòn bẩy lớn, nên yếu tố ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp này nhiều nhất đó chính là yếu tố lãi suất. Trong bối cảnh lãi suất cao như thế này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn khi chi phí vốn tăng lên.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Tôi nghĩ là nó không phụ thuộc vào vốn hóa mà tùy thuộc vào sức khỏe tài chính và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, đòn bẩy tài chính thấp sẽ có sức chống chịu tốt hơn khi lãi suất tăng và nhu cầu tiêu thụ giảm. Thông thường, những doanh nghiệp có vốn hóa lớn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn trong thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, theo tôi, nhóm các doanh nghiệp tập trung vào thị trường trong nước sẽ vẫn khả quan hơn các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp tập trung vào thị trường Mỹ và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi vì như chúng ta cũng biết, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu trong quý I/2023 đã giảm lần lượt khoảng 20% và 10% so với cùng kỳ.

BTV Mùi Khánh Ly: Trong quý I, lãi suất vẫn đang ở mức cao nhưng đến thời điểm này lãi suất trong nước có phần hạ nhiệt, vậy theo hai ông bà trong thời gian tới tình hình các doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn chưa?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Gần đây, một số ngân hàng trung ương, chẳng hạn như Úc hoặc Singapore, cũng đã thể hiện việc họ sẽ tạm ngưng việc tăng lãi suất cũng như là suy nghĩ về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam của chúng ta có thể nói đã đi trước một bước. Bởi vì chúng ta cũng có dư địa, có cơ sở để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ việc phục hồi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thời điểm này, chính sách và lãi suất đều đang có xu hướng đảo chiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng đâu đó vào tháng 5 năm nay, dự báo FED sẽ có đợt tăng lãi suất cuối cùng và sau đó thì lãi suất có thể giữ nguyên và sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm 2023, như vậy lúc đó, lãi suất của Việt Nam của chúng ta sẽ hạ nhiệt đáng kể từ cuối quý 2 năm nay. Tuy nhiên, lãi suất dù giảm nhưng khó có thể quay trở lại như mặt bằng trước thời điểm tăng lãi suất. Tôi cho rằng lãi suất có thể giảm thêm khoảng 1% - 2% nữa kể từ cuối quý 2 năm nay. Bước sang quý 2, bức tranh lợi nhuận có thể cải thiện hơn, khi lợi nhuận của các doanh nghiệp và một số ngành có tác động lớn đến thị trường chứng khoán như bất động sản, xây dựng hoặc ngành thép sẽ cải thiện hơn, lợi nhuận quý II/2023 của toàn thị trường sẽ cải thiện lên mức khoảng 6% - 8 % và bước sang nửa sau của năm 2023, mức tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường sẽ lên đến 2 con số từ 14% - 16%.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Như chúng ta cũng biết, trong thời gian gần đây, rất nhiều chính sách về tiền tệ và tài khóa được ban hành cho thấy sự nới lỏng hơn so với trước. Tôi cho rằng, chúng ta vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành thêm khoảng 100 điểm cơ bản trong thời gian tới bởi vì, tình hình lạm phát đang hạ nhiệt, tỷ giá USD cũng đang có dấu hiệu ổn định hơn và với việc lãi suất có dư địa giảm như vậy, tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm rất tốt để có những chính sách hỗ trợ tích cực cho sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách như vậy bao giờ cũng có độ trễ tác động từ khoảng 3 - 6 tháng. Tôi cho rằng, kết quả kinh doanh có sự cải thiện kể từ nửa cuối năm 2023 trở đi, khi các chính sách này bắt đầu phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng nhu cầu xuất khẩu cuối năm có thể sẽ cải thiện hơn do sự hồi phục trở lại tại các thị trường lớn của chúng ta như Mỹ và châu Âu.

BTV Mùi Khánh Ly: Theo ông bà, thị trường sẽ diễn biến ra sao với bối cảnh phân tích ở trên?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Như tôi đã phân tích ở trên, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ có xu hướng tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt là một số nhóm ngành có tác động lớn đến thị trường chứng khoán như ngành thép hay bất động sản. Quý III, quý IV/2023 của năm nay sẽ là thời điểm họ ghi nhận sự tăng trưởng tốt hơn về lợi nhuận. Ngoài ra, yếu tố Trung Quốc mở cửa hiện nay có thể nói là chưa tác động nhiều đến nền kinh tế của chúng ta cũng như chưa tác động đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chúng ta đã biết, nền kinh tế Trung Quốc đang có những thay đổi khá rõ ràng, tăng trưởng tín dụng hay nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc đang quay trở lại. Đặc biệt là những hoạt động du lịch đi lại của Trung Quốc sẽ có tác động khá lớn đối với một số ngành kinh tế của Việt Nam. Việc Trung Quốc phục hồi rõ nét hơn sẽ tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, cũng như thị trường chứng khoán trong nửa sau của năm 2023.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Như đã nhấn mạnh trong các báo cáo phân tích trước đây, chúng tôi cho rằng thị trường đã quay lại xu hướng tăng, xu hướng này được xác định bằng mức hồi phục khoảng 20% so với đáy và tôi cho rằng, bây giờ là thời điểm để chúng ta quan tâm đến sự cải thiện của kết quả kinh doanh trong những quý tới, thay vì chỉ trong quý I. Thông thường, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh trước các yếu tố vĩ mô, cũng như kết quả kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết khoảng từ 3 đến 6 tháng. Bên cạnh đó, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đang ở mức rất hấp dẫn so với quá khứ 10 năm và cũng như so với khu vực.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy các nhà đầu tư nên tiếp tục chiến lược như thế nào với thị trường?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT:

Ở thời điểm này thì tôi vẫn ưa thích những cổ phiếu hay là những doanh nghiệp đầu ngành, có tỷ lệ đòn bẩy thấp cũng như là có quy mô lớn hoặc là hoạt động trong những ngành có nhiều lợi thế, có khả năng mở rộng thị phần hoặc các cổ phiếu có chi trả tỷ lệ cổ tức cao…

Bước sang nửa sau của năm 2023, tôi cho rằng đấy là thời điểm các nhà đầu tư cũng có thể chuyển đổi danh mục của mình sang những cổ phiếu có tính chất tăng trưởng cao hơn, trong bối cảnh lãi suất bắt đầu hạ nhiệt.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Đối với các nhà đầu tư, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến nghị khách hàng mặc dù thị trường sẽ quay trở lại xu hướng tăng trong thời gian sắp tới, tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên thực hiện quản trị rủi ro, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể bắt đầu tích lũy dần cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và có tình hình tài chính ổn định vào các nhịp điều chỉnh để chúng ta chuẩn bị cho xu hướng tăng dài hạn trong thời gian tới.

BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông bà về những thông tin trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước