Hà Nội nỗ lực xây trường công lập, giảm sĩ số lớp học

Hoài Thương-Thứ hai, ngày 16/10/2023 13:09 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện thiếu trường học, sĩ số cao hơn nhiều so với quy định của ngành giáo dục vẫn là vấn đề khó ở Hà Nội nhiều năm qua.

Trường chuẩn nhưng sỹ số lớp học chưa chuẩn

Hà Nội nỗ lực xây trường công lập, giảm sĩ số lớp học - Ảnh 1.

Trường Mầm non Mỹ Đình 1,Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội

Trên thực tế thì dù hệ thống trường ngoài công lập cũng đã tăng lên đáng kể nhưng đa số người dân không đủ điều kiện chi phí, do đó, trường công lập vẫn là lựa chọn tối ưu. 

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, học sinh tất cả các lớp đầu cấp đều tăng, gây áp lực trường lớp rất lớn cho các quận, huyện. Và để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả các địa phương cần phải tìm cách để giảm sĩ số học sinh/lớp.

Hà Nội năm học 2023-2024, Lớp 1 tăng khoảng 11.600 em, lớp 6 tăng hơn 38.000 em, lớp 9 thi tuyển vào lớp 10 tăng 22.000 em. Mầm non công cho trẻ dưới 2 tuổi đang chỉ đáp ứng 20% nhu cầu. Năm học 2024-2025, dự kiến số lượng học sinh đầu cấp cũng không có dấu hiệu giảm.

Cô giáo Nguyễn Hồng Linh, giáo viên trường mầm non Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội chi sẻ, ở trường chúng tôi, những năm gần đây, số lượng dân trên địa bàn rất đông. Do vậy học sinh khi đến lứa tuổi đi học thì tuyển sinh rất đông so với khả năng nhà trường. Tuyển sinh rất khó khăn và phụ huynh cũng phải xếp hàng rất lâu mới có thể tuyển sinh được.

Hà Nội nỗ lực xây trường công lập, giảm sĩ số lớp học - Ảnh 2.

Lớp học đông khiến giáo viên khó khăn trong việc hỗ trợ học tập học sinh.

Trong lớp học ở mầm non Mỹ Đình 1, có 43 trẻ ăn ngủ, sinh hoạt trong không gian lớp học khoảng 60m2. Bởi vậy, để có thể cho các cháu hoạt động, giải pháp đưa ra là chia đôi lớp học. Nửa này hoạt động trong lớp thì nửa kia sẽ phải ra sân hoạt động ngoài trời, rồi đổi ngược lại. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ làm việc nhiều hơn gấp đôi.

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên, Hiệu trưởng trường mầm non Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội cho biết, trước mắt nhà trường sẽ cố gắng khắc phục để duy trì những hoạt động theo kế hoạch. Nhà trường mong là sớm có một cơ ngơi mới, khang trang hơn để đảm bảo công tác chăm sóc và giáo dục cũng như là tổ chức các hoạt động.

Còn tại trường Tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là trường chuẩn quốc gia. Ban đầu trường xây chỉ để dành cho quy mô 400 học sinh giờ đây số học sinh của trường đã lên đến hơn 2000 em. Cô Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng trường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm tư, với chương trình giáo dục phổ thông mới có yêu cầu học sinh ít hơn. Lớp 5 thì vẫn học chương trình cũ còn từ lớp 4 trở xuống là áp dụng chương trình mới. Mỗi lớp chênh so với quy định từ 8-10 học sinh nên chúng tôi cũng có giải pháp.

Hà Nội nỗ lực xây trường công lập, giảm sĩ số lớp học - Ảnh 3.

Học sinh trường Tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tính ra, mỗi năm Hà Nội tăng dân số cơ học bằng một huyện. Rất nhiều dự án khu đô thị mới vẫn đang tiếp tục mọc lên. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng trường mới lại chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay, nhất là các quận nội đô. Trong giai đoạn chờ xây dựng, tại nhiều trường công trên địa bàn Thủ đô, các giáo viên phải gồng gánh các trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục theo chương trình mới.

Đẩy nhanh tiến độ xây trường công lập

Hiện tại, trường Tiểu học Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhiều lớp học sỹ số đang quá tải, từ 50 học sinh trở lên. Thầy Trần Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Mỗ cho biết,  Đại Mỗ tiếp tục xây dựng thêm 1 trường tiểu học công lập, dự kiến 1/4/2024, trường mới sẽ được khánh thành và đi vào hoạt động. Lúc đó, một nửa số học sinh trường tiểu học Đại Mỗ hiện nay sẽ chuyển về trường mới. Và điều này sẽ giúp cho sĩ số trong các lớp học tại các trường tiểu học trên địa bàn phường Đại Mỗ tiến đến gần hơn với quy định 35 học sinh/lớp.

Còn tại quận Hai Bà Trưng, theo kế hoạch trong nhiệm kỳ 2020-2025, quận này sẽ đầu tư xây mới từ 6-7 trường nữa nhằm đưa sĩ số học sinh/lớp về đúng với quy định trường chuẩn quốc gia. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ Tịch Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho biết, đây cũng là mục tiêu mà quận Hai Bà Trưng đang đặt ra đảm bảo thực hiện trường chuẩn quốc gia, đảm bảo làm sao đến cuoois nhiệm kỳ có được 100% các trường đều đạt chuẩn quốc gia…

Điểm nóng thiếu trường công tại Hà Nội phải kể đến quận Hoàng Mai. Cuối tháng 9 vừa qua, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt xây dựng thêm 4 trường học công lập trên địa bàn, với tổng số vốn là hơn 1 nghìn tỷ đồng. Kinh phí lấy từ nguồn ngân sách quận. Bốn trường gồm Mầm non Hoàng Liệt, THPT Hoàng Liệt, hai trường Tiểu học Hoàng Liệt. Ngoài xây mới, quận Hoàng Mai cũng cải tạo, nâng cấp trường THPT Việt Nam - Ba Lan. Những dự án này đều nằm trong kế hoạch đầu tư công của quận, giai đoạn 2021-2025.

Hoàng Mai là quận đông dân nhất Hà Nội với hơn 500.000 người. Sỹ số học sinh là hơn 98.000, bình quân 4 năm liên tiếp đến nay, mỗi năm tăng 3.836 học sinh. Trong đó, phường Hoàng Liệt, dân số tăng cơ học nhiều nhất quận. Năm học trước, quận này đã phải tổ chức bốc thăm để nhận học sinh vào trường Mầm non Hoàng Liệt do số trẻ có nhu cầu vào học vượt khả năng đáp ứng.

Từ nay đến 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất cải tạo và sửa chữa 123 trường học thuộc quản lý của Sở. Thành phố dự kiến xây thêm 16 trường, gồm 7 trường liên cấp. Tổng mức đầu tư cho 139 dự án này là 8.873 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.

Thông tin từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố Hà Nội, ngày 17/10/2023, HĐND Thành phố sẽ tổ chức Phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội. 

Tại phiên giải trình, đại biểu HĐND thành phố sẽ nghe báo cáo cụ thể về một số nội dung về thực trạng trường lớp, kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn từ năm 2020 đến nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước