Cần làm gì để học sinh bớt áp lực khi trở lại trường sau thời gian dài?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 08/04/2022 06:08 GMT+7

VTV.vn - Khoảng 1 triệu học sinh tiểu học và lớp 6 ở Hà Nội đã đến trường học trực tiếp. Học sinh có thể gặp những vấn đề tâm lý nào? Nhà trường đã có sự chuẩn bị ra sao?

Thầy cô, phụ huynh hãy tạo niềm vui cho các con đến trường

Trở lại trường học trực tiếp sau nhiều tháng ở nhà học trực tuyến, các em học sinh tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5 dường như được giải tỏa khi thoát được cảnh phải học, giao tiếp với thầy, cô giáo và bạn bè qua màn hình máy tính hoặc điện thoại. Thay vào đó, các em được gặp trực tiếp thầy cô, bạn bè với bảng đen, phấn trắng, với lớp học và sân chơi. Háo hức và vui vẻ là tâm trạng chung của các em.

Vui thì có vui, nhưng có một vấn đề khác đó là các giáo viên phải rèn lại toàn bộ nét chữ, nề nếp học tập. Ngoài ra, do thời gian gấp rút nên đa số các nhà trường vẫn chỉ cho học sinh đi học 1 buổi 1 ngày mà không tổ chức bán trú. Điều này khiến nhiều phụ huynh phải xoay xở, tìm cách đưa đón con.

Các em học sinh lớp 1 quá nhiều bỡ ngỡ trong lần đầu gặp bạn, lần đầu gặp thầy, cô trực tiếp. Thậm chí, sự việc hi hữu khi một học sinh còn bị bố đưa đến nhầm trường.

Cần làm gì để học sinh bớt áp lực khi trở lại trường sau thời gian dài? - Ảnh 1.

Học sinh và giáo viên nhiều trường ở Hà Nội lần đầu tiên được gặp nhau trực tiếp trên lớp. (Ảnh: TTXVN)

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày dựa trên sự đồng thuận, tự nguyện của cha mẹ học sinh.

Về giải pháp để các em học sinh thích nghi khi trở lại trường, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Hà Nội cho biết: "Sau thời gian quá dài học trực tuyến, các con trở lại trường, lần đầu tiên đến trường, nhiều con có vẻ bỡ ngỡ. Tôi đã trao đổi với giáo viên và chuẩn bị tinh thần cho giáo viên trước khi các con quay trở lại trường là các cô phải tạo ra một không khí vui vẻ ở lớp học. Các cô làm thế nào để các con thật vui. Buổi học đầu tiên khi các con về nhà phải nói với bố mẹ là hôm nay con đi học vui lắm. Thầy cô giáo ở trường cũng như cha mẹ học sinh ở nhà cùng phải đồng thuận với nhau để tạo một niềm vui cho các con đến trường. Khi các con đã vui thì các con sẽ học rất là tốt".

"Chúng tôi cũng sắp xếp chương trình học để khi các con quay lại trường không bị bỡ ngỡ. Đối với lớp 5, chúng tôi đề xuất dạy những nội dung để thi chuyển cấp. Không áp lực điểm số với các con. Chúng tôi cũng trao đổi với phụ huynh để đồng lòng với nhà trường. Phụ huynh nếu cứ con về hỏi ‘hôm nay con được mấy điểm?’ sẽ gây áp lực cho các con. Điểm số chỉ đánh giá 1 phần. Trong quá trình học online, chúng tôi cũng phân loại học sinh. Học sinh giỏi tiếp tục học để có thể vào trường chuyên, lớp chọn. Những học sinh yếu khi học trực tuyến tập trung để đủ kiến thức, đảm bảo các con lên cấp THCS một cách tốt nhất" – bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Có nên học hè, học thêm để học sinh không bị hổng kiến thức?

Rõ ràng, đã là học sinh dù lớn, dù bé vẫn bị áp lực về điểm số, hoặc từ bạn bè xung quanh hoặc từ chính bố mẹ và các thầy cô giáo. Chưa kể một thời gian dài học trực tuyến cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của các em. Theo các bác sỹ tâm lý, phụ huynh và thầy cô giáo, cần lưu ý về sức khỏe tâm thần chính các em trong những ngày này.

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, Hà Nội lưu ý một số vấn đề: "Thứ nhất, các bạn có thể trở nên sợ môi trường trường học vì các bạn cảm thấy kiến thức của mình không tốt, đi học sợ thầy cô kiểm tra bài vở. Thứ hai, những bạn có vấn đề nghiện game, đâu đó khi đi học sẽ có suy nghĩ trốn học, bỏ học. Thứ ba, những bạn có những nét khác biệt với số đông: hiền quá, ít giao tiếp với mọi người, các bạn dễ bị bắt nạt đây cũng là vấn đề lớn, bố mẹ cần lưu ý".

Đã có 92% học sinh tiểu học ở Hà Nội đến trường, kết quả theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Một con số cho thấy sự sẵn sàng từ phía gia đình và nhà trường cho việc đi học trực tiếp trở lại.

Để hiểu thêm các phụ huynh đang "muốn gì" khi cho con đi học trực tiếp trở lại, Fanpage của Thời sự VTV đã có một cuộc khảo sát nhỏ.

Cần làm gì để học sinh bớt áp lực khi trở lại trường sau thời gian dài? - Ảnh 2.

Ý kiến của một số phụ huynh về mong muốn khi cho con đi học trực tiếp trở lại

Cần làm gì để học sinh bớt áp lực khi trở lại trường sau thời gian dài? - Ảnh 3.
Cần làm gì để học sinh bớt áp lực khi trở lại trường sau thời gian dài? - Ảnh 4.

Khoảng 10 bình luận đề nghị nhà trường tổ chức học hè để theo kịp kiến thức vì bị hổng. Nhưng ngược lại cũng có phản hồi rằng cần cho học sinh nghỉ để chơi: "Giảm bài tập về nhà, giảm tiết học, nhiều môn học quá, các lớp tiểu học không cần quá nhiều, học từ sáng đến chiều, tối còn bài tập".

Học sinh từ lớp 1-6 chưa được tiêm phòng COVID-19, có phụ huynh bình luận: "Đi học xong ngồi cạnh đúng 1 bạn F0 nên lại nghỉ, vậy khi F0 khi mang bệnh thì nhà trường làm gì hỗ trợ vì sẽ phải nghỉ, làm sao để không hổng kiến thức? Nhà trường đã chuẩn bị việc sẵn sàng tiêm vaccine như thế nào?".

Về vấn đề học hè, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh: "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cho các con học hè sau quá trình chống dịch COVID-19. Trong quá trình học trực tuyến, chúng tôi đảm bảo kiến thức không kém bao nhiêu so với việc học trực tiếp. Nhưng vì tình hình các con ở nhà lâu, chúng tôi sẽ mở cửa trường trong tháng 6, 7 để tạo sân chơi cho các con, tham gia các CLB, hoạt động trải nghiệm. Học trực tuyến đã vất vả, quay trở lại học trực tiếp rồi bắt các con học hè thì không nên. Chính suy nghĩ đó sẽ ảnh hưởng các con và tạo ra tâm lý không tốt".

Bà Nguyễn Thị Hiền cũng cho rằng, trách nhiệm của thầy cô giáo là phải dạy để giảm tối đa việc học thêm.

"Học sinh cần biết tự học, có ý thức tự học. Chúng tôi vẫn yêu cầu các con làm việc buổi tối từ 15-30 phút nhưng không phải làm bài tập mà chuẩn bị cho buổi học ngày hôm sau. Cuối tuần chúng tôi có những bài tập để tổng kết lại, vừa phải với các con" - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm nói.

Việc học sinh phải học trực tuyến ở nhà không chỉ có ở Việt Nam mà cách đây 1 năm học sinh ở nhiều nước trên thế giới đã phải học trực tuyến gần 1 năm học. Ở Việt Nam chỉ muộn hơn mà thôi. Việc để các em học trực tuyến để bảo vệ sức khỏe cho các em là đúng vì xét cho cùng thì sức khỏe vẫn là thứ quý giá nhất, không gì mua được.

Khi dịch bệnh đang dần lắng xuống, trẻ em đi học trực tiếp trở lại là điều đương nhiên, bởi trẻ em cần được vui chơi và học hành đúng nghĩa chứ không phải cả ngày chỉ nhìn vào máy tính, cách thầy cô, bạn bè một cái màn hình.

Đại dịch đã làm cả thế giới thay đổi, nhiều việc sẽ không thể quay lại như xưa và chúng ta buộc phải thích nghi với tình hình mới. Nhưng mong rằng, nhà trường, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cả các bạn học sinh sẽ cùng nhau cố gắng để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Và biết đâu, sau đại dịch ngành giáo dục lại có cơ hội làm mới mình, giảm áp lực cho chính mình và cho hàng chục triệu gia đình.

Giáo viên vất vả rèn lại nét chữ, nề nếp học tập của học sinh lớp 1, 2 Giáo viên vất vả rèn lại nét chữ, nề nếp học tập của học sinh lớp 1, 2

VTV.vn - Sau thời gian dài nghỉ dịch COVID-19, học sinh tiểu học đã đến trường. Các giáo viên phải rèn lại toàn bộ nét chữ, nề nếp học tập, ăn uống, nhất là các em khối lớp 1 và 2.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước