EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 05/05/2024 15:22 GMT+7

VTV.vn - Sau 2 thập niên mở rộng về phía Đông cùng những thành công nhất định, EU đang theo đuổi một giấc mơ mở rộng hơn nữa trong thời gian tới.

20 năm EU mở rộng về phía Đông

Ngày 1/5/2024 đánh dấu 20 năm sau đợt mở rộng có thể coi là lớn nhất trong lịch sử của Liên minh châu Âu (EU) với sự gia nhập đồng thời của 10 quốc gia thành viên, gồm 8 nước Đông Âu và 2 nước Địa Trung Hải, trong đó có nhiều quốc gia trước đây là thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế do Liên xô đứng đầu.

Trải qua 2 thập kỷ, với những thành công cùng những thăng trầm, cho đến nay, Liên minh châu Âu đã liên tục lớn mạnh, Từ 15 lên 25 rồi 27 quốc gia thành viên, EU tiếp tục khẳng định một hình mẫu về mô hình hợp tác khu vực ở cấp độ cao.

Cách đây tròn 20 năm, đầu tháng 5/2004, EU đã tiến hành đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử liên minh kể từ khi thành lập với việc kết nạp đồng thời 10 thành viên mới là Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia, đưa EU từ một khối 15 thành viên lên 25 thành viên, tăng thêm 20% dân số và lãnh thổ, trở thành một thực thể chính trị, kinh tế và văn hóa rộng lớn hàng đầu thế giới.

EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng? - Ảnh 1.

Cờ của các nước châu Âu tại Nghị viện châu Âu (Ảnh: AP)

Bulgaria, Romania và Croatia lần lượt gia nhập EU sau đó vài năm. Trải qua 2 thập kỷ, EU hiện nay có 27 quốc gia thành viên, do Anh rời đi sau cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016.

Sự xuất hiện của các thành viên mới đã tăng cường đáng kể vai trò của EU trong các vấn đề khu vực và thế giới. Thông qua cách thức phản ứng tương đối thống nhất giữa các thành viên, EU đã thể hiện được vai trò trong nỗ lực tăng cường an ninh và phòng thủ của châu Âu, tăng cường hợp tác với NATO hay mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Á và châu Phi.

Sau 20 năm mở rộng về phía Đông, hiện nay, EU đã trở thành một trong những thị trường chung lớn nhất thế giới với tổng sản phẩm của khối năm 2022 đạt khoảng 16.000 tỷ USD, trong đó Đức là nền kinh tế lớn nhất với quy mô 4.000 tỷ USD.

Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu - Eurozone - cũng đã mở rộng sau 20 năm, từ 12 nước thành viên EU nay đã lên tới 20 thành viên của khối.

Trong 20 năm qua, cơ sở hạ tầng và kết nối hiện đại quy mô lục địa đã được xây dựng trên khắp 27 quốc gia thành viên nhờ các khoản đầu tư và quỹ của EU.

Bên cạnh đó, khối Schengen với 29 thành viên bãi bỏ kiểm soát biên giới và hộ chiếu tại đường biên giới chung giữa các quốc gia, trong đó có 25 trong tổng số 27 quốc gia thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng hợp tác, sau 2 thập kỷ, EU ngày nay đối mặt ngày càng nhiều thách thức hơn đến từ bối cảnh địa chính trị thay đổi và sự chênh lệch về kinh tế, trình độ phát triển giữa các thành viên cũ - mới.

Trong nội bộ EU, chủ nghĩa dân túy gia tăng ở nhiều quốc gia thành viên, không chỉ đe dọa các giá trị cốt lõi của khối mà còn đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết.

Thành tựu và khó khăn của EU sau 20 năm mở rộng

Về kinh tế, mở rộng châu Âu là thành công không thể phủ nhận. Kinh tế các nước Đông Âu trong 20 năm qua đã chuyển biến sâu rộng để phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu, với tăng trưởng ở mức độ gấp nhiều lần các nước Tây Âu. Tính trung bình tổng sản phẩm nội địa của các nước gia nhập cách đây 20 năm đã tăng gấp 3, hạ tầng giao thông được hiện đại hóa hoàn toàn nhờ ngân sách chung thúc đẩy, thất nghiệp giảm mạnh khi người Đông Âu tự do sang Tây Âu làm việc. Thị trường chung châu Âu được mở rộng cũng có lợi cho các nước Tây Âu khi đầu tư vào các nước Đông Âu, nhất là trong sản xuất ô tô, tạo ra thịnh vượng cho cả hai bên.

Liên minh châu Âu vận hành theo nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối. Một phiếu của một nước nhỏ như Malta có 500.000 dân cũng có giá trị như một phiếu của nước Đức 85 triệu dân. Nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối làm mất nhiều thời gian thảo luận, đàm phán, đặc biệt là khi có khủng hoảng. Vấn đề sẽ phức tạp hơn trong bối cảnh xu hướng dân tộc biệt lập đi lên, khi có những nước đề cao thái quá quyền lợi riêng của nước mình. Thách thức chủ yếu vẫn là phải thuyết phục được tất cả, chứ không dùng đa số áp đảo thiểu số. Giữa hai bên đã khó thỏa thuận mà EU có tới 27 bên nên nhiều chính sách có mục tiêu tham vọng, khi đến được thỏa thuận đã bị pha loãng khá nhiều.

Thách thức phía trước với EU

Sau 20 năm mở rộng, EU đã đạt được những thành tựu có thể nói là không thể phủ nhận. Trong tương lai phía trước, EU vẫn tiếp tục xác định con đường mở rộng thêm thành viên, như Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nói - EU sẽ hướng tới một khối với 30 rồi 36 quốc gia thành viên.

EU đã khởi động một số cuộc đàm phán về vấn đề này và vẫn đang nỗ lực hướng tới một tổ chức khu vực lớn mạnh hơn. Nhưng chặng đường phía trước với EU có thể nói vẫn còn nhiều thách thức, từ bài toán nhập cư đến các bất đồng nội bộ về chính sách hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh hiện nay, các nỗ lực mở rộng khối của EU chắc chắn vấp phải không ít rào cản.

Khác biệt về lợi ích

Khi khối càng mở rộng với những thành viên có quan điểm và lợi ích khác biệt, sự chia rẽ ngày càng bộc lộ rõ.

Trong những năm gần đây, một số đảng và phong trào dân tộc chủ nghĩa đã trỗi dậy tại một số nước EU như Hungary, Ba Lan..., ủng hộ chính sách ưu tiên các lợi ích quốc gia hơn sự hội nhập và hợp tác châu Âu. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý hoài nghi về lợi ích của EU và ủng hộ việc tăng cường quyền lực cho chính phủ quốc gia. Những điều này có nguy cơ làm suy yếu tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU.

Vấn đề Ukraine

Việc đoàn kết EU liên quan đến ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga có thể trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây khi cuộc chiến tiếp tục bế tắc. Đặc biệt, nỗ lực kết nạp Ukraine vào EU có thể sẽ gây áp lực lên ngân sách chung. Thu nhập bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình của EU. Kết nạp Ukraine có thể có nghĩa là trong vòng 7 năm tới, khoảng 186 tỷ Euro từ EU sẽ đổ vào nước này. Điều đó có nghĩa tất cả các nước EU hiện tại sẽ phải đóng góp nhiều hơn và nhận về ít hơn, tiếp tục gây ra sự bất bình đẳng kinh tế và khoảng cách về trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên cũ - mới.

EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng? - Ảnh 2.

Ukraine đương đầu nhiều khó khăn trong nỗ lực gia nhập EU (Ảnh: AFP/Getty Images)

Khủng hoảng di cư

Làn sóng người di cư từ các điểm nóng xung đột tràn vào EU vẫn đang là một vấn đề đau đầu. Trong năm 2023, số người di cư bất hợp pháp đến EU đã lên mức cao nhất trong 7 năm. Hàng triệu người di cư không chỉ là gánh nặng cho ngân sách mà còn tạo bất đồng trong xã hội. Một số quốc gia thành viên EU phản đối việc di cư dẫn đến các chính sách hạn chế nhập cư và gia tăng căng thẳng giữa các nước.

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp ước mới về di cư và tị nạn trong một động thái được xem là cuộc cải cách sâu rộng về chính sách di cư của Liên minh châu Âu.

Cân bằng quan hệ với các nước lớn

Sự mất cân bằng thương mại tiếp tục khoét sâu căng thẳng giữa EU và Trung Quốc. Năm 2023, thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc là 421 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Một thách thức nữa trong mối quan hệ song phương giữa hai bên là việc EU mở cuộc điều tra về sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc đối với các nhà sản xuất xe điện, cũng xem xét liệu các nhà sản xuất sản phẩm xanh của Trung Quốc có được nhà nước trợ cấp hay không, nhằm giúp họ có lợi thế khi tiến vào thị trường EU.

Trong khi đó, quan hệ EU - Mỹ dù đã được củng cố trong những năm gần đây, song, vẫn phải đối mặt các thách thức và những lo ngại về sự thay đổi chính quyền tại Mỹ.

Bài toán tự chủ chiến lược về kinh tế, quốc phòng trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đang tiếp tục được nhận định là vấn đề phức tạp đối với giới lãnh đạo EU khi có những quan điểm khác nhau từ nội bộ các quốc gia thành viên.

Còn với Nga, đầu năm 2024, EU đã bắt đầu áp đặt vòng trừng phạt thứ 13 đối với Nga kể từ khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraine. Các lệnh trừng phạt đáp trả đang gây thiệt hại kinh tế cho cả hai bên và kéo quan hệ EU - Nga tiếp tục lún sâu.

EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng? - Ảnh 3.

(Ảnh: Getty Images)

Trong những năm qua, Liên minh châu Âu đã có nhiều cải cách theo hướng tăng tự chủ trong mọi lĩnh vực, nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và tăng khả năng phòng thủ, đồng thời vẫn thực hiện cam kết môi trường. Ngoài ra, Liên minh châu Âu cũng phải đối phó với các quốc gia có sức ảnh hưởng kinh tế thấp hơn nhưng đang quyết tâm khẳng định sự hiện diện chính trị và quân sự của mình. Đã có rất nhiều tranh luận, nhìn chung các đề xuất đều dựa trên sức mạnh chung của cả khối, phối hợp thế mạnh và nguồn lực của tất cả 27 nước vẫn là giải pháp cho các thách thức, cả về kinh tế lẫn quốc phòng.

Sau 2 thập niên mở rộng về phía Đông cùng những thành công nhất định, EU đang theo đuổi một giấc mơ mở rộng hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, các xung đột địa chính trị tăng cao, chặng đường phía trước với Liên minh châu Âu chắc chắn cũng sẽ không bằng phẳng.

Sự mở rộng của EU không chỉ gặp những trở ngại từ các thách thức nội bộ mà chắc chắn sẽ có những tác động khác nhau đến cục diện an ninh khu vực, cân bằng ảnh hưởng giữa các cường quốc, nguy cơ tạo ra những cạnh tranh, hay thậm chí đối đầu, nếu không được kiểm soát.

Một đoàn tàu khi kéo thêm toa, đoàn tàu sẽ mạnh nếu có một đầu tàu tốt và đủ khỏe - đó sẽ là bài toán đối với EU trong thời gian tới khi tiếp tục con đường mở rộng.

Kế hoạch EU “hạ bệ” đế chế khí tự nhiên hóa lỏng của Nga liệu có suôn sẻ? Kế hoạch EU “hạ bệ” đế chế khí tự nhiên hóa lỏng của Nga liệu có suôn sẻ? EU công bố gói viện trợ trị giá 1 tỷ Euro cho Lebanon nhằm hạn chế dòng người di cư EU công bố gói viện trợ trị giá 1 tỷ Euro cho Lebanon nhằm hạn chế dòng người di cư Kỷ lục đơn xin tị nạn vào EU Kỷ lục đơn xin tị nạn vào EU

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước